Qua quá trình 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược) cho thấy, Chiến lược đã tác động đáng kể trong việc đổi mới về cơ bản và tương đối đồng bộ hàng lang pháp lý, cơ chế tổ chức, quản lý KH&CN, nâng cao năng lực KH&CN của đất nước, đặc biệt trong việc gia tăng đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đáng kể vị thế của KH&CN Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu lớn
Ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Chiến lược đã đặt ra các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ cũng như các giải pháp chủ yếu phát triển KH&CN.
KH&CN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng nền kinh tế. Ảnh: NH |
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển đồng bộ khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, KH&CN Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.
Cụ thể, đến năm 2020, KH&CN góp phần đáng kể vào tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 – 15%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15-17%/năm.
Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15 – 20%/năm. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011 – 2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015, trong đó đặc biệt tăng nhanh số lượng sáng chế được tạo ra từ các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước.
Mục tiêu đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với KH&CN; 5.000 doanh nghiệp KH&CN; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Nhờ đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được các công nghệ hiện đại. Ảnh: Giàn không gian xuất khẩu của Công ty Cơ khí Đông Anh. Ảnh: NH |
Theo Chiến lược, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Trong đó, tái cấu trúc, quy hoạch lại hệ thống tổ chức KH&CN quốc gia theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế; khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế; phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Phát triển mạnh doanh nghiệp KH&CN, chủ yếu từ các trường đại học, viện nghiên cứu;…
Gia tăng đóng góp của KH&CN
Việc tổ chức triển khai Chiến lược của các bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc thời gian qua đã đem lại những kết quả bước đầu rất khích lệ. Trong khoa học tự nhiên, Việt Nam đã có bước phát triển về nghiên cứu cơ bản, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KH&CN đa ngành mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực có thế mạnh như toán học, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.
Khoa học xã hội và nhân văn đã kịp thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, khẳng định lịch sử hình thành, phát triển dân tộc, bảo tồn các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong công nghiệp, dịch vụ, lực lượng KH&CN trong nước đã có khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao trong một số ngành thiết yếu như điện, điện tử, dầu khí, đóng tàu, xây dựng, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông. Việc tăng cường ứng dụng KH&CN cũng góp phần không nhỏ trong phát triển nông thôn mới, các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét