Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ tư nhân bí mật của Jeff Bezos - người sáng lập ra tập đoàn thương mại điện tử Amazon, vừa cho phóng và hạ cánh thành công tên lửa New Shepard của họ ở một bãi thử nghiệm tại Texas.
Cho tới nay, đối thủ chính của họ - SpaceX, công ty chuyên về nghiên cứu du hành vũ trụ của Elon Musk, nhà đồng sáng lập Tesla Motor và Paypal, đã cố thử nhiều lần nhưng đều thất bại trong nỗ lực cho tên lửa Falcon của hãng hạ cánh an toàn xuống một bệ đỡ chuyên biệt.
(Ảnh cắt từ video) |
Theo báo cáo, tên lửa New Shepard được phóng đi từ bãi thử nghiệm tây Texas của Blue Origin vào lúc 1h21 giờ Việt Nam ngày hôm nay (25/11), đạt độ cao 100km (thấp hơn quỹ đạo Trái đất) và đáp trở lại bãi phóng 8 phút sau đó. Toàn bộ chuyến bay quan trọng này đã được ghi hình thành video để công bố.
Trong chuyến du hành vũ trụ thấp hơn quỹ đạo Trái đất, tên lửa không di chuyển đủ nhanh để đạt tới vận tốc cần thiết nhằm chống lại lực kéo của trọng lực Trái đất. Điều này đồng nghĩa, nó phải tái xâm nhập bầu khí quyển giống như một tên lửa đạn đạo, nhưng tổn hại rõ nhất đối với tên lửa là phần kim loại bị cháy xém ở phần đế.
Các nhà thiết kế cho biết, tên lửa New Shepard được thiết kế để chở theo 6 hành khách tới độ cao 100km phía trên Trái đất - ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian đã được quốc tế công nhận.
Nó gồm 2 thành phần: một khoang chứa phi hành đoàn ở đầu gắn với một khoang đẩy tên lửa sử dụng một động cơ BE-3 do Mỹ chế tạo. Lúc cất cánh, BE-3 tạo ra sức đẩy 49.895kg. Trong lúc bay lên, các nhà du hành vũ trụ sẽ trải nghiệm lực hút gấp 3 lần trọng lực Trái đất khi tên lửa tăng tốc xuyên qua bầu khí quyển.
Trong chuyến bay xuống tiếp theo đó, khoang chở phi hành đoàn sẽ tách khỏi bộ phận đẩy và trượt xuống trong không gian, mang tới vài phút không trọng lượng.
Khi hạ thấp độ cao, khoang này tái xâm nhập bầu khí quyển và các nhà du hành vũ trụ sẽ trải nghiệm lực hút mạnh gấp 5 lần trọng lực trước khi bung 3 dù chính để hạ cánh. Mặc dù không có người nào trên tên lửa, nhưng khoang chở phi hành đoàn vẫn tách ra và trở về mặt đất đúng kế hoạch, trong khi phần thiết bị đẩy cũng quay trở lại bệ đáp.
Trước khi hạ cánh, phần tên lửa đẩy tái kích hoạt động cơ mà nó đã giảm tốc xuống còn 7km/h để đi xuyên qua những cơn gió thổi với vận tốc 192km/h ở trên cao và đáp xuống một cách nhẹ nhàng, theo phương thẳng đứng, giúp tên lửa có thể tái sử dụng cho lần sau.
Theo doanh nhân Bezos, việc có khả năng tái sử dụng tên lửa sẽ giảm đáng kể chi phóng tàu vào không gian - yếu tố được dự đoán sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghiệp du hành vũ trụ.
Người sáng lập Amazon tuyên bố đã thành công trong kế hoạch tái sử dụng tên lửa đẩy thay vì phải vứt bỏ chúng sau một lần dùng như thông lệ lâu nay trên khắp thế giới. Thông thường, các thiết bị đẩy tên lửa giai đoạn 1 sẽ rơi xuống Đại Tây Dương và chìm nghỉm.
Theo VNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét