VN+ dẫn thông tin từ Sở KH-CN tỉnh Bắc K ạn cho hay đã báo cáo UBND tỉnh và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về sự cố mất nguồn phóng xạ ở một nhà máy xi măng trên địa bàn.
Nguồn phóng xạ này có quyền sở hữu của Công ty cổ phần ximăng Bắc Kạn hiện do ông Đinh Văn Bằng giữ Quyền giám đốc. Do làm ăn thua lỗ, Công ty này đang bị Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) thi hành án từ ngày 10/12/2014.
Thiết bị chứa nguồn phóng xạ Cs137 ở Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và hóa chất Hà Bắc tương tự với thiết bị bị mất ở Bắc Kạn. Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Thiết bị được báo mất hôm 15/12/2015 khi ông Đinh Văn Bằng gọi điện thoại tới Sở KH-CN thông báo. Trước đó, ngày 15/5/2015, trong cuộc kiểm tra nguồn phóng xạ lưu kho tại Công ty này, ông Đinh Văn Bằng vắng mặt.
Các bên Sở KH-CN tỉnh Bắc Kạn, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Kạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn đã có mặt để kiểm tra và lập biên bản đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn quản lý, bảo vệ nguồn được lưu giữ trong kho; dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.
Đồng thời, Sở KH-CN đã ra văn bản đề nghị ông Bằng làm thủ tục di chuyển đến khu lưu giữ an toàn; đồng thời gửi văn bản này cho Cục an toàn bức xạ hạt nhân chỉ đạo, hướng dẫn việc vận chuyển nguồn phóng xạ của công ty để lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bắc Kạn cho biết nguồn phóng xạ Cs-137 của Công ty Cổ phần ximăng Bắc Kạn sử dụng để kiểm tra mức xả clinker trong công nghệ xi măng lò đứng.
Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước đường kính khoảng 10 x 20cm, màu ghi xám, nặng khoảng 03-04 kg). Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường.
Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, nguồn loại này là không nguy hiểm cho con người, không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này khi tiếp xúc gần.
Thông tin tại giấy phép số 270/GP-ATBXHN ngày 12/8/2010 của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, hoạt độ hiện tại của nguồn vào khoảng 3,97mCi (146,89 MBq) và được xếp vào nguồn phóng xạ nhóm 5 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ-QCVN 6:2010/BKHCN.
Trước đó đã có 2 vụ mất nguồn phóng xạ xảy ra trên địa bàn TP. HCM và ở Bà Rịa- Vũng Tàu.
Theo đó, khoảng giữa tháng 3/2015, khi bàn giao tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ, nhà máy thép Pomina 3 tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện một nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) đã bị thất lạc. nguồn phóng xạ được phát hiện bị mất từ tháng 11/2014. Nhưng đến ngày 25/3/2015, thông tin này mới được công khai.
Sau nhiều ngày dò tìm với các công cụ hỗ trợ tại khu xử lý rác, các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn tỉnh, nguồn phóng xạ vẫn không được tìm thấy. Nguồn phóng xạ bặt vô âm tín nhiều tháng được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thông tin đã không còn… nguy hiểm nữa.
Năm 2014, thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bị thất lạc vào ngày 11/9 tại Quận Tân Bình, TP. HCM. Thiết bị này có chủ sở hữu là Công ty A.C.A- T.B.D trên đường Cách mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM). Lượng phóng xạ bên trong máy có tác dụng đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và động vật khi tiếp cận ở cự ly gần.
Cúc Phương(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét