Cơ quan này cũng mở chiến dịch tuyển phi hành gia cho sứ mệnh chinh phục “hành tinh đỏ” vào ngày 14/12.
NASA và kế hoạch đưa người lên sao Hỏa đầy tham vọng. |
Kế hoạch phóng Orion lên quỹ đạo Mặt trăng
Orion là tàu không gian thế hệ mới được thiết kế để chở con người thực hiện các hành trình lên vũ trụ.
Mỹ bắt đầu phát triển tàu con thoi này từ những năm 1970. Mục tiêu ban đầu của NASA là dùng Orion để đưa con người lên Mặt trăng. Tuy nhiên, hiện mục tiêu này đã được điều chỉnh để đưa người lên các hành tinh khác xa xôi hơn - trước mắt là tới “hành tinh đỏ” vào những năm 2030.
Đây là dự án do NASA và hãng chế tạo máy bay, vũ khí và công nghệ quốc phòng Lockheed Martin hợp tác tiến hành. Orion được trang bị những công nghệ hiện đại nhất thế giới, trong đó có nhiều công nghệ lần đầu tiên áp dụng cho tàu vũ trụ.
Hồi tháng 12/2004, tàu Orion đã được phóng từ căn cứ không quân Mũi Canaveral, bang Florida bởi tên lửa đẩy Delta IV Heavy và bay 2 vòng quanh Trái đất ở độ cao 5.800km. Sau đó, Orion hạ cánh an toàn xuống vùng biển gần bán đảo Baja Mexico - Thái Bình Dương để kết thúc tốt đẹp chuyến bay không người lái thử nghiệm đầu tiên.
Tiếp nối thành công đó, NASA vừa công bố kế hoạch phóng tàu con thoi Orion vào tháng 11/2018 tại Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ). Chuyến bay mang tên Exploration Mission 1 - một trong những giai đoạn quan trọng của sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa.
Đối tác của NASA là Lockheed Martin đang xây dựng các thành phần của tàu vũ trụ tại Nhà máy Michoud, gần bang New Orleans (Mỹ). Trong đó, quan trọng nhất là môđun chứa cabin cho bốn phi hành gia có đường kính gần 5m.
Tàu con thoi Orion sẽ sử dụng tên lửa đẩy lớn nhất và mạnh nhất từ trước đến nay là Space Launch System (SLS). Phiên bản ban đầu của tên lửa này có trọng tải 77 tấn và phiên bản hoàn thiện có sức nâng hơn 143 tấn.
Sau khi được tên lửa SLS đưa ra khỏi quỹ đạo Trái đất, Orion sẽ di chuyển đến Mặt trăng. Dự kiến, tàu con thoi này sẽ bay 2 vòng xung quanh vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.
Trong quá trình đó, nó sẽ bung các tấm pin mặt trời để tích thêm năng lượng cần thiết cho quá trình hoạt động.
Sau đó, tàu con thoi Orion sẽ tận dụng lực hấp dẫn của Mặt trăng để đạt được tốc độ cần thiết và thực hiện quá trình bay ngược trở lại “hành tinh xanh”.
Theo kế hoạch, môđun của Orion sẽ bung dù rồi hạ cánh xuống Thái Bình Dương. Tổng thời gian để Orion thực hiện sứ mệnh này là khoảng 3 tuần.
Tháng 8/2015 vừa qua, NASA đã tiến hành thử nghiệm dù dành cho Orion tại sa mạc Arizona. Các nhà khoa học thậm chí đã bớt số lượng dù (dự kiến là 3 chiếc) để kiểm tra. Mặc dù vậy, tàu con thoi Orion vẫn nhẹ nhàng hạ cánh an toàn xuống vị trí mục tiêu.
Đây là điều cần thiết bởi mục đích chính của Orion là chuyên chở các phi hành gia xuống sao Hỏa cũng như trở lại Trái đất nên an toàn phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Chiến dịch tuyển phi hành gia lên sao Hỏa
Song song với việc chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật, thử nghiệm phương tiện lên sao Hỏa, NASA cũng đang tích cực tuyển chọn các phi hành gia cho mục tiêu lớn này.
Họ bắt đầu tuyển người để bay trên 4 con tàu vũ trụ trong các dự án trạm vũ trụ quốc tế, 2 tàu vũ trụ thương mại của các công ty Mỹ và đặc biệt là tàu con thoi Orion lên sao Hỏa.
Ngày14/12 vừa qua, NASA đã chính thức mở chiến dịch tuyển chọn phi hành gia cho sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa. Quá trình nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 18/2/2016.
Điều kiện để trở thành phi hành gia là công dân Mỹ có trình độ cao ở các lĩnh vực nghề nghiệp như phi công, kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia về y - dược.
Các ứng viên phải có chiều cao từ 1,57m tới 1,90m, thị lực 20/20, có bằng cử nhân, kỹ sư tại các trường đại học danh tiếng chuyên về kỹ thuật, sinh học, khoa học tự nhiên hoặc toán học.
Ngoài ra, họ phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn hoặc trải qua ít nhất 1.000 giờ bay trên máy bay phản lực (đối với những người là phi công).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét