Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Kỹ sư “hai lúa” chế máy băm đa năng:Đầu óc thực tế - DVO

Xung quanh câu chuyện kỹ sư hai lúa chế tạo máy băm đa năng, chiều ngày 4/11, chia sẻ với báo Đất Việt, PGS.TS. Hoàng Đức Liên - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Lương Định Của, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Nông dân, người dân chế tạo ra máy móc nhiều lắm nhưng ứng dụng thực tế như thế nào có đảm bảo lâu dài hay không thì phải có kiểm chứng cụ thể.

Thực ra máy băm đa năng này đã có rất nhiều cơ sở tư nhân sản xuất nhưng vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả, chi phí và giá thành ra làm sao. Rất nhiều người nói sản xuất tốt, nhiều người dùng nhưng thực tế họ đã được kiểm chứng chưa mới quan trọng.

Tôi đã tham gia rất nhiều các cuộc hội thảo đánh giá chất lượng sản phẩm của người dân tự sáng chế nên tôi biết, nhiều khi họ nói rất hay nhưng khi kiểm tra lại không được như người ta nói, cái gì thì cái cũng phải có hội đồng đánh giá kiểm định hẳn hoi chứ.

Nếu người ta có năng lực thật sự thì phải đi đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ đã, vì nếu sản phẩm mình làm ra đưa thông tin lên đại chúng cái là mất bản quyền ngay, còn cái không tốt thì sẽ khiến bản thân mình mất uy tín ngay."

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, PGS.TS Liên cho biết: Nông dân có nhiều sáng kiến đều xuất phát từ cái dạ dày của người ta, cuộc sống khó khăn bắt buộc người ta phải mày mò.

Cũng có những sáng kiến hay vì người ta có đầu óc thực tế hơn những nhà khoa học, tuy nhiên cũng có những cái họ làm ra thành thừa vì trên thực tế đã có rất nhiều trên thị trường rồi. Trước đó, chúng tôi đã từng cấp chứng nhận cho 1 người ở Quảng Ninh về cái máy băm nghiền đa năng rồi vì cái mới của họ là cũng cùng nguyên lý đó, chất lượng như thế mà bán với giá rẻ hơn.

Ví dụ cùng 1 máy đó, ngoài thị trường bán giá 7 triệu mà anh sáng chế ra bán có 5 triệu thì tốt quá. Chính vì vậy, chúng tôi đã quán triệt rằng, nếu những người nông dân họ sáng chế ra sản phẩm nào tốt thì mình phải đầu tư cho người ta, mình đang hô tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà con nhưng đứng trên góc độ nào đó thôi.

Nong dan xan tay tu che tao may: Tien si ly giai
Để cho ra những sản phẩm sáng chế mới, anh Châu phải mất rất nhiều công sức

Nói về tình trạng của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, ông Liên cho biết: Các nhà khoa học phải có thực tiễn bên ngoài, không thể đóng cửa trong phòng điều hòa mà nghiên cứu những cái bên ngoài thực tế được, phải làm sao để đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội và phải có sự liên đới với nhau.

Phải có định hướng phát triển cái gì và phải đầu tư cho sáng kiến đó thì mới thành hiện thực được. Nghiên cứu xong mà không có người sử dụng thì không được đánh giá là thành công. Vì vậy, phải có tính chuyển giao giai đoạn cho cơ sở ứng dụng hoàn chỉnh, đã dùng thử rồi thì mới công bố trên toàn quốc.

Cũng theo PGS.TS. Hoàng Đức Liên: "Đối với ngành khoa học ứng dụng thì ở bất kỳ một quốc gia nào cũng cần phải có kênh 2 chiều, thứ nhất từ trên xuống, thứ 2 từ dưới lên. Người dân góp ý cho chúng ta những cái thực tế bên ngoài, các nhà khoa học giúp họ tìm ra nguyên lý".

Như thông tin báo chí đã đưa, anh Nguyễn Hải Châu (46 tuổi), quê gốc Nghệ An, từng tốt nghiệp ĐH Mở nghành Công nghệ Thông tin nhưng chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản về cơ khí, kỹ thuật nào. Với đam mê sáng chế máy móc, anh Châu đã chế tạo thành công hàng loạt các loại máy đa năng tiện ích, hiệu quả cho người nông dân.

Hiện, anh là chủ sở hữu của hàng chục các loại máy móc hiện đại như máy băm nghiền đa năng, máy ép cám viên, máy nghiền vỏ dừa… Nhờ "bộ sưu tập" máy móc khổng lồ mà anh Châu được nhiều người ví là “vua sáng chế” hay "kỹ sư hai lúa" của Việt Nam.

Không chỉ “đánh bại” các loại máy móc của Trung Quốc, Nhật Bản tại thị trường trong nước, một số máy móc do anh Châu sáng chế còn được xuất khẩu sang các nước như Lào, Campuchia, Malaysia... Với gần 30 đại lý phân phối trên cả nước, mỗi năm cơ sở của anh Châu sản xuất ra thị trường khoảng 2.000 các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, đạt doanh thu cả chục tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, ngoài chiếc máy băm nghiền đa năng 3A, anh Nguyễn Hải Châu còn sáng chế và cải tiến được hơn 30 loại máy nông nghiệp với những công dụng và chức năng khác nhau như: máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy băm cỏ, máy làm cám viên, máy nghiền phế phẩm nông nghiệp,  máy xay bột, máy tách hạt...

Tú Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét