Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Sữa chua nấm Kefir

Nhiều bạn hỏi mình, men sữa chua Yogourmet (Canada), giữa men Probiotics và men Kefir thì cái nào ngon hơn, cái nào tốt hơn. Thiệt là khó nói, vì mình thấy cái nào cũng ngon, cái nào cũng tốt. Cả hai có chút khác biệt nho nhỏ về hương vị và cách làm, tùy theo sở thích và thói quen từng người mà chọn thôi. Ở nhà mình thì làm song song cả sữa chua nấm Kefir lẫn sữa chua men sống Probiotics. (Mỗi ngày cả nhà tiêu thụ khoảng 1 lit sữa chua nên phải làm gối đầu mới đủ ăn.)

Vì đã có bài viết về sữa chua men sống Probiotics, nên hôm nay mình sẽ viết bài riêng về sữa chua nấm Kefir để các bạn tham khảo.


Nấm Kefir (nấm sữa hay nấm tuyết Tây Tạng) là một loại sinh vật sống, ăn sữa tươi và sản sinh ra loại men rất có lợi cho sức khỏe: tăng cường hệ miễn dịch, phục hồi các chức năng bị suy yếu, tốt cho tiêu hóa, tim mạch, huyết áp, làm đẹp da... Sữa chua nấm Kefir là món ăn ngon phù hợp cho mọi đối tượng. Đây cũng là người bạn tốt của phụ nữ vì dùng sữa chua nấm Kefir đắp mặt nạ sẽ giúp da dẻ sáng mịn và trẻ trung.

Cách làm sữa chua nấm Kefir rất đơn giản do không phải ủ ấm như các loại sữa chua thông thường (dễ làm hơn men Probiotics, bảo đảm tay dùi đục cỡ nào cũng thành công), chỉ cần lưu ý: nấm Kefir không sống được ở nhiệt độ cao và môi trường ngọt, đồng thời là sinh vật yếm khí nên không được đậy kín hoàn toàn để thúc đẩy quy trình lên men.

Sau đây là cách làm sữa chua nấm Kefir - sử dụng men khô Yogourmet của Canada. 

Chuẩn bị:

- 1 lít sữa tươi không đường
- 1 gói men nấm Kefir Yogourmet 5g
- Hũ hoặc ly đựng


Thực hiện:

Sữa nguội bình thường (không lạnh, không nóng hoặc ấm), cho 5g men nấm Kefir vào khuấy đều đến khi tan hết rồi rót ra hũ hoặc ly đựng, che chắn cho khỏi bụi và côn trùng nhưng không đậy kín hoàn toàn, để yên 24 tiếng trong điều kiện nhiệt độ phòng. Sữa sẽ lên men và đông thành một thứ sữa chua mịn đẹp, ngon miệng:


Do làm bằng sữa chua không đường nên vị nhạt, nếu các bạn không quen ăn sữa nhạt và chua thì có thể trộn thêm mật ong, đường, sữa đặc lúc ăn hoặc trộn chung với trái cây, nho khô... để thêm phần ngon miệng.


Với gia đình mình thì cách ăn khoái khẩu nhất là trộn với mật ong - vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, đẹp da và tăng sức đề kháng. Tiện thể giới thiệu luôn mật ong Mỹ - rất thơm ngon và sánh đặc, hoàn toàn nguyên chất, xử lý sạch, giá thành về đây cũng tương đương với mật ong loại một của VN  nhưng mình thích hơn.


Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Làm đẹp từ thiên nhiên - phần 3: gạo lứt nảy mầm

Gạo lứt nảy mầm là sản phẩm mình đã đề cập trong các bài "Làm đẹp từ thiên nhiên" kỳ trước. Càng trải nghiệm lại càng thấy mê, nên hôm nay phải dành một bài riêng để viết về em ấy.

Gạo lứt là gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu chứ chưa xát bỏ cám gạo, vì thế rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng. Gạo lứt khi được ngâm nảy mầm trong 22 tiếng lại còn tốt hơn cả gạo lứt thường. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy các enzyme ngủ trong hạt gạo khi ở trạng thái nảy mầm sẽ được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa chất dinh dưỡng. Gạo lứt nảy mầm cũng có hàm lượng chất xơ, vitamin và chất khoáng cao hơn so với gạo lứt thường.

Sáng uống trà gạo lứt nảy mầm rang cho ấm bụng, tối đắp mặt nạ và tắm bằng bột gạo lứt nảy mầm sấy để dưỡng da, tận hưởng cái hương vị nồng nàn của hương đồng gió nội, thích thế chứ.


Gạo lứt nảy mầm của mình được làm từ gạo Bắc thơm hoặc Tám thơm, vì thế những sản phẩm có thành phần gạo lứt nảy mầm mà mình giới thiệu như bột ngũ cốc, bột sấy hay gạo rang đều có hương vị thơm ngọt dịu dàng. Gạo Bắc thơm, Tám thơm là đặc sản của vùng lúa Nam Định, Thái Bình, tuy nhiên gần như đã tuyệt chủng trên thị trường do năng suất kém. Thường thì các nhà chỉ trồng cho gia đình ăn chứ không bán vì lợi nhuận rất thấp so với công sức bỏ ra. Nhiều gạo mang tên Bắc thơm, Tám thơm trên thị trường thực chất là gạo thường đã được "tân trang" lại, vì thế mình chỉ tin dùng sản phẩm của người thân quen. Nhiều bạn hỏi mình sao không cho sản xuất thật nhiều, mình cũng xin nói luôn: gạo này số lượng có hạn, và mình muốn duy trì chất lượng homemade như làm cho gia đình nên không thể (đúng hơn là không muốn) theo trào lưu công nghiệp. Đổi lại, mình có thể chia sẻ chút niềm vui về một loại thực phẩm/ nguyên liệu sạch rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp, gửi gắm chút tình cảm của chốn đồng quê.

Vậy gạo lứt nảy mầm có vai trò thế nào trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp?

Nếu người Tây tự hào vì họ có yến mạch thì theo mình chúng ta cũng nên tự hào vì có hạt gạo lứt nảy mầm vốn không hề thua kém về giá trị dinh dưỡng cũng như chăm sóc da. Do gạo lứt còn giữ được lớp cám gạo giàu axit phytic nên nó có tác dụng tiêu hủy tế bào đen sạm và cân bằng sắc tố da, giúp làn da trắng sáng tự nhiên và an toàn. Gạo lứt nảy mầm cũng giàu vitamin E, B1 và B6, giúp làn da khỏe mạnh, mịn màng, chống thâm nám. Đặc biệt, gạo lứt nảy mầm chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp làn da tươi trẻ, làm chậm quá trình lão hóa.

Dùng gạo lứt nảy mầm kết hợp cả bên trong (qua con đường ăn uống) lẫn bên ngoài (các liệu pháp dưỡng da) sẽ giúp chúng ta có làn da sáng đẹp và trẻ trung hơn, cơ thể cân đối hơn.

Gạo lứt vốn giàu lysine, khi ngâm nước nảy mầm thì hàm lượng lysine tăng gấp ba lần. Lysine là một loại axit amin rất cần thiết cho sự tăng trưởng cũng như bảo vệ các mô tế bào của cơ thể con người. Lysine giúp phát triển men tiêu hóa, nhờ đó kích thích ăn uống ngon miệng và đẩy mạnh khả năng hấp thu, tăng cường hệ miễn dịch. Lysine cũng có khả năng duy trì canxi, giúp phát triển chiều cao và ngăn ngừa bệnh loãng xương.Vì thế, gạo lứt nảy mầm rất tốt cho trẻ em lẫn người trưởng thành.

Gạo lứt nảy mầm còn có tác dụng ổn định đường huyết, cân bằng huyết áp, bảo vệ người già trước các nguy cơ bị tiểu đường và tim mạch. Nó cũng giàu chất xơ nên chống táo bón hiệu quả. Với phụ nữ mang thai và cho con bú, gạo lứt nảy mầm là thực phẩm lý tưởng vì nó giúp tăng tiết sữa và cân bằng dinh dưỡng, không làm tăng cân.

Gạo lứt Bắc thơm của mình được cho ngâm nảy mầm trong 22 tiếng theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa, sau đó chế biến thành 3 sản phẩm chính: bột sấy dùng để chế biến thức ăn và dưỡng da, bột chín dùng để uống và gạo rang dùng để pha trà.

- Bột sấy: gạo lứt nảy mầm xử lý sạch, sấy bằng máy sấy hoa quả trong 12 tiếng ở mức nhiệt 30 độ C rồi xay mịn. Đây là bột sống, nhưng phải sấy nhẹ để khử bớt mùi tanh như bột tươi, giữ được hương vị thơm dịu và khả năng bảo quản cũng tốt hơn. Nếu sấy nhiệt cao thì nhanh hơn, đỡ tốn công và tốn điện, nhưng như vậy sẽ làm hao hụt bớt lượng vitamin cần thiết để dưỡng da, vì vậy mình chỉ cho sấy mức nhiệt 30 độ và kéo dài thời gian sấy, đảm bảo sản phẩm vừa thơm, vừa bền, vừa tốt. Bột gạo lứt nảy mầm có thể dùng làm bánh (đối với tất cả các loại bánh có thành phần là bột gạo - chẳng hạn mình thử làm bánh bèo rất là ngon), dùng để nấu bột cho bé, nấu sữa gạo lứt nảy mầm (có thể nấu riêng hoặc kết hợp với đậu nành, hạnh nhân), hoặc dùng để tắm trắng và đắp mặt nạ (dùng riêng hoặc kết hợp với các bột ngũ cốc dưỡng da khác). Bột gạo lứt nảy mầm sấy có màu sáng mịn và hương thơm nhẹ nhàng, tắm rất thích mà chế biến món ăn cũng rất thích.


- Bột chín: gạo lứt nảy mầm xử lý sạch, rang chín rồi xay mịn, dùng để pha nước uống. Đây là một thành phần trong bột ngũ cốc của mình bên cạnh bột mè đen và các loại đậu: đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ và đậu đen xanh lòng.


- Gạo rang: gạo lứt nảy mầm xử lý sạch, rang chín bằng bếp than củi (mình đã cho thử dùng lò nướng nhưng hương vị không đượm bằng rang thủ công tuy rằng nhàn hơn). Gạo lứt nảy mầm rang dùng để uống trà. Chỉ cần lấy một lượng gạo vừa đủ và chế nước sôi chừng 20 phút là uống được. Trà gạo lứt nảy mầm rang có hương thơm nồng ấm, uống vào đẹp da đẹp dáng, tốt cho tiêu hóa.


Tất cả những sản phẩm trên đều nguyên chất, sạch từ khâu trồng trọt, chế biến đến đóng gói, và được hút chân không trước khi niêm phong bao bì để đảm bảo giữ được lâu mà không dùng đến chất bảo quản.

Dạo này trong nhà cứ phảng phất mùi hương gạo thơm, yêu thế!