Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Hàu nướng bơ và xốt táo vang đỏ

Hàu là một động vật biển rất ngon và giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều kẽm - đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người nói chung và trẻ em nói riêng. Nhà mình hay chế biến hàu dưới nhiều hình thức như nấu cháo, nướng, làm gỏi... (tuy nhiên không bao giờ ăn sống). Hôm nay, mình xin giới thiệu một cách chế biến hàu đơn giản mà rất ngon, người lớn hay trẻ con đều thích cả.


Chuẩn bị:

- 15 con hàu lớn
- 30g bơ mềm
- 150ml rượu vang đỏ
- 1 quả táo
- 1/2 tsp bột quế
- 1/3 tsp muối, vài lát chanh vàng, chút hành tỏi


Thực hiện:

Bật sẵn lò nướng trước 10 phút.

Hàu cạy bỏ đá, lấy ruột, rửa sạch. Bạn có thể dùng chính vỏ hàu để làm đồ đựng, tuy nhiên nhà mình có trẻ con và các bé thích dùng trực tiếp trên dĩa nên mình không lấy vỏ.

Hàu xếp ra dĩa nướng, quết đều bơ lên trên và đắp vài lát chanh vàng, đút lò trong 10 phút. Táo gọt vỏ bỏ lõi hạt, xay nhuyễn cùng rượu vang, sau đó trộn đều cùng 1/2 tsp bột quế và 1/3 tsp muối.


Hành tỏi bằm nhỏ, cho một lát bơ mỏng vào chảo rồi phi thơm hành tỏi (phi bằng bơ, không phải bằng dầu ăn), sau đó trút hỗn hợp táo và rượu vang vào nấu cho vừa sôi.

Hàu đã nướng xong, thơm lừng mùi bơ, chấm xốt rượu táo vừa thơm vừa dịu rất ngon.



Con gái ăn trong cái dĩa be bé như thế này:


Nếu bạn có thắc mắc là xốt làm bằng rượu liệu các bé ăn có được không, thì hãy yên tâm đi nhé. Rượu vang rất nhẹ, chỉ dùng một lượng nhỏ lại trộn chung với táo, nấu sôi, khi chấm cũng chỉ một ít nên nói chung nó chỉ đóng vai trò kích thích vị giác chứ không ảnh hưởng tiêu cực.

Dùng món này với mì Ý đút lò nữa thì quá tuyệt.

Nấm trộn đút lò

Thu rồi, giá quanh đây có khu rừng vắng, gió nhẹ nhàng thổi qua lối mòn xao xác lá rơi thì hẳn đôi chân cũng bị thúc giục "lên đường hái nấm". Nhưng sống ở đô thành, đành ra siêu thị mua ít nấm về hưởng chút thi vị mùa thu vậy.

Nấm đông cô trộn nụ bạch hoa và bơ tỏi đút lò - nếu nói dài dòng ra là phải vậy - là một món có mang âm hưởng của vùng Địa Trung Hải nhưng lại rất dễ ăn, và đặc biệt là kết hợp với mì, cháo, soup... đều ngon cả.


Chuẩn bị:

- 300g nấm đông cô tươi
- 30g bơ lạt
- 2 tsp bột tỏi
- 3 tsp nụ bạch hoa ngâm muối
- 1 nhánh tỏi tây
- dầu ôliu, hạt nêm, lá ngò tây (parsley), chanh


Thực hiện:

- Nấm đông cô rửa sạch, cắt bỏ chân nấm, sau đó có thể để nguyên hoặc cắt lát tùy mục đích sử dụng của bạn (mình thì làm nửa này nửa kia). Tỏi tây thái mỏng bằm nhỏ.

- Cho vào tô trộn: nấm đông cô + tỏi tây + 3 tsp nụ bạch hoa (trong hình mình chụp cận cảnh nụ bạch hoa để các bạn dễ hình dung) + 30g bơ mềm hoặc bơ lạnh thái hạt lựu + 1tsp lá parsley + 1 tsp dầu ôliu + 1/2 tsp hạt nêm (chỉ bỏ ít hạt nêm thôi vì nụ bạch hoa ngâm muối khá mặn) + 1/2 tsp nước cốt chanh => tất cả trộn đều rồi đút lò trong 10 phút ở nhiệt 230 độ.


Nấm đã nướng xong. Lấy nấm ra khỏi lò là một khoảnh khắc thú vị vì được tận hưởng trọn vẹn mùi thơm của nấm hương kết hợp với bơ tỏi. Hương vị ngọt ngào của nấm cùng vị chua rất dịu của nụ bạch hoa kết hợp với các gia vị tạo ra một món ăn ngon miệng và tinh tế.



Cũng có thể dùng nấm trộn đút lò cùng với cơm nóng, mì, soup hoặc cháo... Đây là nấm trộn đút lò ăn cùng soup mầm lúa mì:


Về giá trị dinh dưỡng: tuy món ăn có thành phần chủ yếu là thực vật nhưng lại khá bổ dưỡng. Nấm đông cô, hay còn gọi là nấm hương, chứa khá nhiều đạm, giàu vitamin và khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là vai trò tăng sức đề kháng, kích thích các tế bào miễn dịch. Nụ bạch hoa là một đặc sản của vùng Địa Trung Hải, có vị giống như olive ngâm chua ngọt, rất tốt cho tiêu hóa. Các bạn có thể tìm mua nụ bạch hoa ở Metro hoặc các siêu thị lớn. Ngoài ra, đây cũnglà loài cây cho hoa đẹp nên nhà mình cũng trồng bạch hoa.


Bạch hoa:


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Cá hồi nướng chanh và salad rau quả

Nếu ai cảm thấy cá hồi quá tẻ nhạt thì hãy thử món này nha. Nhẹ nhàng, ngon mà không ngán, lại tốt cho sức khỏe, đó là cá hồi nướng chanh và cỏ xạ hương ăn kèm với salad rau quả.



Chuẩn bị:

- Nguyên liệu làm cá hồi nướng chanh và cỏ xạ hương: 300g phi lê cá hồi, 1 quả chanh vàng, 50g bơ, cỏ xạ hương tươi để nguyên cành, dầu ôliu, muối

- Nguyên liệu làm salad rau quả: xà lách, 50g ôliu đen, 1 quả táo, 1 quả kiwi, 50g cà chua cherry, 50g dưa chuột muối, dầu ôliu, salad cream


Thực hiện:

- Bật lò nướng 230 độ C trước khi nướng cá 10 phút.

- Cá hồi rửa sạch, xịt nhẹ dầu ôliu đều lên 2 mặt cá để khi nướng không bị khô, thoa lên mình cá một chút muối.

- Chanh vàng cắt đôi rồi thái lát tròn mỏn, phần đầu quả chanh không cắt lát được thì thái mỏng vỏ. Phần chanh còn lại cất để dùng sau.

- Xếp các lát chanh vào khay nướng, rải mấy nhành cỏ xạ hương rồi đặt cá hồi lên trên, tiếp tục đắp chanh và vỏ chanh lên mặt trên của cá, phía trên cùng đắp những lát bơ mỏng.


- Cho khay nướng vào lò, nướng cá trong 20 phút hoặc đến khi cá chín, tùy mức độ dày mỏng của miếng cá. 

Trong thời gian chờ cá chín thì trộn salad rau quả: xà lách rửa sạch, chọn lá ngon, táo bỏ hạt, bổ múi cau và cắt đôi, cà chua bi cắt đôi, kiwi cắt khoanh tròn, dưa chuột muối baby để nguyên, tất cả cho vào tô trộn, trộn đều cùng 4 muỗng súp salad cream và 1 tsp dầu ô liu.


Cá hồi đã nướng xong. Dùng phần chanh vàng còn lại cắt vài lát để riêng trang trí, một ít vắt nhẹ lên cá, một ít để làm muối tiêu chanh. Món này có thể ăn cùng muối tiêu chanh hoặc sốt tiêu đen.

 
Cá hồi thơm lừng mùi bơ và chanh vàng, thêm mùi hương đặc trưng rất hợp của cỏ xạ hương (tiếng Anh là "thyme", còn gọi là húng tây) tạo nên một sự kết hợp vừa thơm ngon vừa tinh tế. Salad rau quả thanh mát hỗ trợ cho món chính làm tăng thêm sự hài hòa của đất và biển. Ngày nghỉ, dùng món này với bánh mì, uống chút rượu vang, thấy cuộc sống thanh bình và tươi đẹp lắm.




Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Bánh Mochi nhân kem

Mochi là một loại bánh nếp nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản, có ý nghĩa mang lại sự may mắn, vì vậy thường được dùng trong các ngày lễ cổ truyền như Năm mới, Trung thu... hoặc các dịp cúng thần linh. Bánh Mochi cổ điển được làm bằng bột gạo nếp nhân đậu đỏ, tượng trưng cho hồng phúc. Ngày nay, Mochi đa dạng hơn với nhiều loại nhân khác nhau cũng như những biến tấu về màu sắc và hương vị cho phần vỏ bánh, vì thế khay bánh Mochi trở nên đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, Mochi nhân kem thơm ngon và mát lạnh phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng đã vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, được đón nhận ở khắp thế giới.

Trung thu năm nay, mình quyết định làm bánh Mochi để trải nghiệm một phong cách ẩm thực vừa lạ vừa quen. Lạ vì bánh mang hương sắc Nhật Bản, quen vì nó có cái gì gần gũi với bánh trôi, bánh dày của người Việt. Mình làm bánh Mochi kem tươi với ba loại nhân: đậu đỏ, trà xanh và dâu tây.


Chuẩn bị:

- 150g bột gạo nếp
- 20g bột nếp rang để làm bột áo
- 100g đậu đỏ
- 150g đậu trắng
- 100g dâu tây
- 1 tsp bột trà xanh nguyên chất
- 2 tsp bột trà xanh ngọt
- 50ml whipping cream
- đường phèn bột, tinh chất vani, nước lọc


Thực hiện:

Vì chỉ nên làm vỏ bánh khi nhân đã sẵn sàng nên phần nhân được thực hiện trước nhé.

1. Whipping cream cho vào ngăn đông khoảng 30 phút để sánh đặc lại (không để đông)

2. Đậu đỏ, đậu trắng rửa sạch, luộc mềm rồi nghiền mịn hoặc xay mịn. (Lưu ý: làm đậu đỏ, đậu trắng riêng biệt. Mình làm bằng đậu tươi, nếu các bạn làm bằng đậu khô thì nên ngâm nước trước cho mềm.) Dâu tây xay nhuyễn (mình mua dâu New Zealand, thiệt tình là lúc mới xay ra nhìn đỏ choét như tương ớt cũng hơi hãi nhưng đến khi trộn làm nhân và vỏ thì hóa ra màu rất đẹp).

- Đậu đỏ đã nghiền nhuyễn trộn đều với 1 tsp đường phèn bột + 1/2 tsp tinh chất vani

- Đậu trắng đã nghiền nhuyễn chia làm 2 phần: phần thứ nhất trộn đều với 1 tsp đường phèn bột và lượng dâu tây đã xay (trừ lại 2 tsp dâu để trộn bột làm vỏ bánh); phần thứ hai trộn đều với 1 tsp đường phèn bột và 1 tsp tinh chất trà xanh.


3. Đem các phần đậu đã trộn nguyên liệu sên kỹ với nhiệt nhỏ cho đến khi đặc lại. Để cho nhân nguội.


4. Lấy whipping cream ra khỏi tủ lạnh. Lấy từng phần nhân vo những viên tròn nhỉnh hơn trái tắc (quất) một chút, ấn lõm một lỗ để đổ kem vào và bọc lại. Tiếp tục làm cho hết nhân, cho vào hộp cất ngăn đông tủ lạnh.


5. Bột nếp trộn với 3 tsp đường phèn bột, chuẩn bị sẵn 1 ly nước và rót từ từ vào để trộn bột. Sở dĩ mình không nói lượng nước cụ thể vì còn tùy thuộc vào bột hút nước nhiều hay ít. Cứ rót ít một và trộn đều để đảm bảo bột vừa độ dẻo mịn (hơi nhão). Sau đó chia bột làm 3 phần: phần 1 để nguyên làm bánh nhân đậu đỏ; phần 2 trộn đều với 2 tsp dâu xay thành nước bột hồng nhạt; phần 3 trộn đều với 2 tsp bột trà xanh ngọt thành nước bột xanh nhạt (bạn có thể thay bằng tinh chất trà xanh với lượng ít hơn, khoảng 1/3-1/3 tsp). Tất cả đem hấp chín (dùng lò vi sóng hoặc hấp cách thủy).

Bột đã hấp chín chờ nguội bớt một chút rồi rắc bột áo (bột nếp rang) và nhào kỹ, cán mỏng vừa phải rồi cắt từng miếng vừa vặn để bọc nhân bánh (vừa lấy trong ngăn đông ra). Vỏ trắng thì bọc nhân đậu đỏ, vỏ hồng bọc nhân dâu tây và vỏ xanh bọc nhân trà xanh.


Bánh đã hoàn tất. Cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh, khi nào thích ăn thì lấy ra. Nếu muốn bảo quản bánh lâu hơn thì cho vào ngăn đông, khi ăn chỉ việc lấy ra trước 20-30 phút (do bánh nhân kem tươi nên tuyệt đối không rã đông bằng lò vi sóng).





Bonus thêm dĩa cam với chút biến tấu:



Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Lồng đèn vỏ bưởi

Hôm trước mua 2 trái bưởi da xanh, một trái làm gỏi bưởi và lồng đèn, một trái để đó ăn sau, mà hai bạn Anh Thi và Kitty cứ nhất định đòi mẹ phải làm thêm một lồng đèn nữa nên hôm nay mẹ xử luôn trái còn lại, tiện thể chụp hình các bước để bạn nào quan tâm thì làm cho vui nha.



Làm lồng đèn vỏ bưởi nhìn qua có vẻ phức tạp nhưng thực ra không khó lắm, chỉ cần khéo tay một chút, và chỉ mất khoảng 15 phút.


Chuẩn bị: Chọn 1 trái bưởi to, dáng tròn đẹp, có lá càng tốt.



Thực hiện:

1. Cắt phần chóp vỏ bưởi sao cho giáp với múi bưởi, để riêng làm nắp lồng đèn. Phần bưởi còn lại dùng dao mũi nhọn rạch những đường dài từ trên xuống, cách đáy khoảng 2-3cm, tạo thành những hình múi cau trên vỏ bưởi.

2 & 3. Dùng dao lách nhẹ phần bưởi để tách vỏ và ruột, sau đó dùng tay khéo léo lấy trái bưởi ra, để lại phần vỏ bưởi. Chú ý thao tác khéo léo để vỏ bưởi không bị gãy.

4. Dùng dao lưỡi mảnh và sắc tách phần vỏ xanh và cùi trắng.

5. Tiếp tục tách toàn bộ vỏ bưởi, sau đó cắt ngắn bớt phần cùi trắng và vát tròn xuống.

6. Phần vỏ xanh tạo hình cánh hoa tùy ý, mình dùng dao mũi nhọn để tỉa như trong hình.


7. Tạo hình cánh hoa toàn bộ vỏ bưởi.

8. Dùng dao mũi nhọn tỉa hoa văn trên vỏ bưởi.

9 & 10. Tỉa toàn bộ vỏ bưởi, kể cả nắp.


Đến đây phần lồng đèn đã hoàn tất. Đặt 1 chén con có kích thước vừa với lòng bưởi vào bên trong và cắm một ngọn nến nhỏ. Có thể đậy nắp lồng đèn hoặc không. Lồng đèn vỏ bưởi có nến tỏa sáng lung linh  và mùi hương bưởi nhẹ nhàng giúp không gian thêm ấm cúng và lãng mạn. Nếu thích thì có thể kết thêm sợi dây thô để treo lồng đèn.


Và đây là sự phấn khích của em Kitty với chiếc lồng đèn Trung thu mẹ làm:










Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Bưởi cho mùa Trung thu

Mỗi mùa trung thu về là lòng lại da diết nhớ tuổi thơ. Nhớ những buổi tối lê la cùng bọn trẻ con hàng xóm qua khắp các nẻo đường để xem múa lân. Ngồi trong nhà mà nghe tiếng trống tùng tùng đằng xa là đã thấy đôi chân rộn rã. Nhớ những chiếc lồng đèn ba làm cho hai anh em bằng nan tre và giấy bóng màu. Nhớ những bữa tiệc nhỏ đơn sơ mà đầm ấm.

Tháng Tám âm lịch cũng là mùa bưởi chín, đi đâu cũng thoáng thấy những trái bưởi tròn xanh cùng mùi hương nhè nhẹ thanh tao. Mùa Trung thu lại về rồi, mình mua bưởi da xanh, ruột thì làm gỏi, vỏ tỉa hoa thắp nến làm lồng đèn. Sau này con lớn lên, cũng có chút kỷ niệm về chiếc lồng đèn thiên nhiên thơm mùi tinh dầu vỏ bưởi mà mẹ làm cho con.