Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Cream Cheese Pumpkin Soup

Ngoài súp kem khoai tây, thì súp bí đỏ phô mai cũng là món ăn bổ dưỡng và yêu thích của các bé. Làm món này cũng nhanh gọn.

Chuẩn bị:

- 500ml nước luộc gà
- 400g bí đỏ
- 70g cream cheese
- 10g bơ
- Một ít phô mai cheddar (nếu thích)

Thực hiện:

- Bí đỏ luộc thật mềm trong nước gà, nêm thêm muối, sau đó nghiền nhuyễn bí.

- Đây là cream cheese:



Lấy khoảng 70g cream cheese và 10g bơ nấu chung với bí nhuyễn + nước gà cho đến khi sôi lại, khuấy đều tay trong lúc nấu. Súp chín múc ra thả thêm ngò ta, ăn nóng cùng bánh mì.


Thường thì người lớn chỉ ăn "thanh đạm" như vậy cho đỡ ngán, với các bé thì nạo nhỏ phô mai cheddar rắc lên trên sẽ thơm ngậy hơn:


Món này cũng có thể cho thêm tiêu, hoặc nấu cùng ớt ngọt, tỏi tây + hành tây cắt nhỏ để tăng hương vị.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Creamy Potato Soup

Súp kem khoai tây là món mà bọn trẻ con nhà mình rất thích, không những thế - "bé" 42 tuổi và "bé" 37 tuổi trong nhà cũng ăn tì tì. :)


Nguyên liệu dễ tìm, cách làm cực kỳ đơn giản.

Chuẩn bị:

- 1/4 con gà
- 4 củ khoai tây
- 200ml whipping cream
- 1 nhánh tỏi tây
-  20g bơ
- Hạt nêm, muối, ngò

Thực hiện:

- Gà luộc với 500ml nước và 1 tsp hạt nêm. Vớt gà ra để nguội xé phay. Nước dùng gà hớt bớt váng mỡ.

- Luộc thật mềm khoai, sau đó vớt ra, nghiền nhuyễn, trộn với 1/3 tsp muối. Chế whipping cream vào phần khoai đã nghiền, trộn đều thành một hỗn hợp sánh mịn.

- Tỏi tây cắt nhỏ, xào với bơ.

- Cho hỗn hợp kem khoai tây vào nồi nước gà nấu cho sôi lại, khuấy đều trong lúc nấu:


Súp chín tắt bếp, trộn tỏi tây đã xào bơ vào. Múc súp ra chén, rắc thịt gà xé và vài lá ngò thơm lên trên, thưởng thức.


Cũng có thể ăn riêng súp, không dùng thịt gà (thịt gà cất cho phi vụ khác chứ không phải liệng đi à nha):


Súp kem khoai tây có màu vàng mơ, mịn màng trông thật hấp dẫn. Khi ăn, mùi thơm ngậy của kem quyện trong khoai tây và nước gà, cộng thêm hương vị của tỏi tây xào bơ khiến các bé không thể chối từ. Đây là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, lại rất dễ làm.


Soup kem khoai tây có thể dùng nóng với bánh mì, hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh cho sánh đặc lại, ăn lạnh cũng rất ngon. Đây là thành phẩm sau khi để ngăn mát tủ lạnh, trông sánh đặc như yaourt:


Món này rất bổ dưỡng, tuy nhiên bạn nào muốn giảm cân thì nên hạn chế nhé. Nhà mình toàn người mi nhon nên ăn thoải mái.





Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Ba rọi áp chảo - hương vị nướng nồng nàn

Thịt ba rọi heo nướng áp chảo là món ăn mà cả nhà mình đều mê. Thích nhất là các loại gia vị được tẩm ướp hài hòa khiến món ăn có một mùi thơm còn vương vấn mãi.


Chuẩn bị:

- 500g thịt ba rọi ngon, chọn miếng vuông vức
- Gia vị ướp: sốt Burgundian, bột quế, bột tỏi, lá hương thảo, nước hoa hồi, rượu mirin, muối, tiêu
- Rau xà lách



Thực hiện:

Ba rọi rửa sạch, trải màng bọc thực phẩm ra cuộn miếng thịt lại và bỏ ngăn đông tủ lạnh chừng 2 tiếng.


Khi thịt đã có một độ cứng nhất định (nhưng chưa đông hẳn), lấy thịt ra thái lát mỏng kiểu như thịt xông muối (nếu để thịt tươi mới mua về thì rất khó cắt do mềm quá).


Ướp thịt với 2 muỗng súp rượu mirin, sau đó trộn tiếp gia vị tẩm ướp gồm:

- 2 muỗng súp sốt Burgundian (nếu không có thì thay bằng loại sốt hải sản khác)
- 1 muỗng cafe bột quế
- 1 muỗng cafe bột tỏi
- 1/2 muỗng cafe nước hoa hồi
- 1 muỗng cafe muối
- 1/4 muỗng cafe bột tiêu (không nhất thiết)


Trộn đều sốt tẩm ướp và phết lên 2 mặt của dải thịt:



Để 45 phút cho thịt ngấm đều gia vị. Bắc chảo nóng, láng 1 muỗng dầu ăn lên mặt chảo (lòng chảo phải phẳng nhé), mục đích chỉ để chảo đỡ bị dính chứ không phải chiên, sau đó cho thịt vào áp cả hai mặt cho chín vàng.


Món này ăn nóng, cuộn với xà lách rất ngon.



Lưu ý:

- Khâu tẩm ướp thịt rất quan trọng, nó đóng vai trò quyết định rất lớn đến sự thành bại của món này. Thịt nướng xong phải có màu vàng nâu hấp dẫn xét về nhãn quan; có hương vị thơm lừng của thịt nướng quyện với các mùi hương nồng nàn và đặc sắc của quế, hồi, tỏi, hương thảo; có sự đậm đà của sốt Burgundian; có cả độ giòn và cảm giác không béo không khô. Ở Việt Nam thì các món nướng hay được ướp với mật ong để lên màu đẹp nhưng mình lại không thích vị ngọt kiểu đó lắm. Thay vào đó, mình ướp món nướng bằng bột quế theo phong cách các bạn Âu - cũng cho màu óng ả rất đẹp mà lại dậy mùi thơm lừng.

- Bạn có thể mua sốt Burgundian ở Metro, mua rượu mirin ở các shop bán đồ Nhật, mua bột quế, bột tỏi, hương thảo, nước hoa hồi ở các shop bán đồ khô nhập khẩu từ Âu Mỹ (mình thì mua những món này tại Mỹ).

----------------------------------------------

Với công thức ướp như trên, thay vì áp chảo bạn có thể nướng trong lò khoảng 30 phút. Thịt nướng thì chỉ cần thái đơn giản, dùng kèm với bún tạo thành món bún thịt nướng rất ngon:



Thử làm xem nhé, ngon lắm đấy.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Khoai tây bọc phô mai chiên - món ngon cho một chiều mưa

Tôi thích cái cảm giác buổi chiều ngồi ngắm mưa bay bên ngoài cửa sổ, trong tiếng nhạc piano nhẹ nhàng, và trên tay là một thứ gì đó bùi bùi nóng hổi. Một ngày thứ bảy, mưa sụt sùi từ sáng đến chiều, ngoài kia nhạt nhòa sông trắng,"thứ gì đó" được hiện thực hóa bằng một món ăn chơi hấp dẫn: khoai tây bọc phô mai chiên.


Món này làm thật đơn giản.

Chuẩn bị:

- 3 củ khoai tây
- 50g phô mai
- 3 lòng đỏ trứng gà
- bột chiên xù
- muối, lá sage sấy, bột tỏi, dầu thực vật

Thực hiện:

- Khoai tây chẻ tư, luộc mềm và nghiền nhuyễn, nêm thêm chút muối. Phô mai cắt hạt lựu. Đặt viên phô mai vào giữa bột khoai làm nhân rồi bọc lại thành các viên tròn.


- Lòng đỏ trứng đánh tan (tiết kiệm thì 2 trứng cũng được nhưng mình dùng 3 trứng để lăn cho thoải mái). Bột chiên xù trộn đều với 1 tsp bột tỏi và 1 tsp lá xô thơm (sage). Lăn các viên khoai qua trứng đã đánh tan, Tiếp đến lăn qua bột chiên xù đã trộn gia vị.


Các viên khoai sau khi lăn bột và trước khi chiên:


Bắc chảo dầu thật nóng với mức nhiệt vừa rồi thả các viên khoai vào (lưu ý là phải nóng già mới thả khoai vào và dầu phải ngập khoai), chiên đều, liên tục trở các mặt cho vàng đều. Vớt ra cho vào dĩa đã trải sẵn giấy thấm dầu.


Những viên khoai tây này ăn nóng mới ngon, ăn không hay kèm với sốt đều được cả. Vị bùi bùi của khoai, sự thơm dẻo của phô mai, thêm mùi hương lá sage và bột tỏi quyện vào nhau tạo thành một món ăn vặt hấp dẫn mà cả người lớn lẫn trẻ con đều thích.


Bẻ ra là lớp bột khoai lẫn phô mai dẻo như thế này:


Thật là ngon quá đi!



Bánh bột lọc - thương nhớ kỷ niệm xưa

Ai đã từng trải qua tuổi học trò ở Huế có lẽ khó mà quên được bánh lọc - món ăn chơi bình dân không chỉ quen thuộc với người dân xứ Huế mà còn gắn liền với bao kỷ niệm của một thời cắp sách. Thời còn học Quốc Học, mình cùng bè bạn đã lê la hàng quán không biết bao nhiêu lần. Học chính khóa thì tranh thủ giờ chơi, nghỉ tiết... ra cổng sau ăn bánh lọc trần của ông cai trường. Học ngoại khóa thì các quán Trương Định, Hàng Me, Cung An Định, Mợ, Bà Đỏ... đều nhẵn bước chân. Cũng có khi cả lớp tụ tập lại ở nhà một đứa, làm bánh lọc ăn và quậy phá. Dân Huế ăn cay khủng khiếp, mình theo không nổi, nên toàn xung phong làm nước chấm để thủ riêng một chén ít cay.

Cho nên giữa Sài Gòn, mỗi lần ăn bánh lọc là lòng lại bồi hồi, thương nhớ kỷ niệm xưa.


Bánh lọc có 2 loại là bánh lá và bánh trần. Hiện nay đa số bán bánh gói, rất ít nơi bán bánh trần. Ở nhà mình thì làm bánh trần nhé.

Chuẩn bị:

- 300g bột năng
- 150g tôm đất loại ngon
- 100g thịt ba chỉ
- Hành lá, nước mắm,  gia vị...

Thực hiện:

Thịt heo cắt hạt lựu, ướp với nước mắm, chút đường. Tôm lột vỏ, bỏ chỉ đen, cắt hạt lựu, ướp với nước mắm và bột tỏi. Nói thêm: con tôm ở Huế là tôm nước lợ vùng phá Tam Giang, rất ngọt thịt và vỏ rất mềm, nên thường được giữ nguyên vỏ khi làm nhân bánh để tăng sự đậm đà. Có thể nói, bánh Huế ngon một phần nhờ con tôm như đã trở thành linh hồn xứ sở. Ở SG thì tôm cứng quá nên phải lột vỏ.

Lấy khoảng 200g bột đổ vào tô trộn, chế nước sôi từng ít một và lấy thìa lớn trộn đều (đừng có nhét tay vào vừa nóng vừa dính đấy nhé). Bạn sẽ thấy bột nửa sống nửa chín và rất dính như thế này:


Chờ bột nguội bớt, cho 100g bột khô còn lại vào nhào chung thật kỹ đến khi bột dẻo và hết dính tay là được.

Phi thơm hành, xào riêng tôm và thịt, lấy ra chén để làm nhân bánh.


Bột lăn dài và cắt khoanh (nếu véo từng cục thì khi nặn bánh sẽ không đều bằng):


Nặn dẹt lớp bột cho nhân tôm và thịt vào trong, gói lại theo hình bán nguyệt, xoáy mép bánh tạo hoa văn (trời ơi cái đoạn này hổng biết tả sao cho dễ hiểu hết, thôi xem hình):


Hấp bánh nha:


Dầu ăn + hành lá thái nhuyễn nấu liu riu vừa sôi là được:


Bánh chín sẽ có màu trong:


Pha nước chấm: nước chấm bánh lọc thường là mắm mặn pha thêm chút nước và đường, ai thích ăn cay thì thêm ớt. Đúng ra ở Huế là nước mắm đều có ớt hết, nhưng như đã nói ở đầu bài, mình chỉ ăn ít cay, mà nhà lại đang... hết ớt nên pha nước mắm không ớt.

Lấy bánh ra dĩa, chan hành lá bên trên, ăn cùng nước chấm:

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Mát dịu chiều hạ đỏ

Nhớ ngày xưa ở Huế, vào mùa hè nóng nực lúc nào cũng thèm ăn dưa hấu, mát gì đâu. Sài Gòn tháng 6 mùa mưa, mát rượi, thế mà vẫn thích ăn dưa hấu. Thích cái ngọt mát tan nơi đầu lưỡi, thích màu đỏ rực rỡ và nồng nàn, thích cả cái nắng bừng lên sau cơn mưa tạo nên một thứ màu rất trong trẻo ở ngoài kia.

Và dưa hấu cũng nên được biến tấu một chút cho lạ miệng chứ nhỉ!

Món này vốn dĩ học được từ các bạn Tây, gọi là drunken watermelon balls, nhìn hay hay và ăn phê phê...


Cách làm thật đơn giản:
- Dưa hấu chọn loại không hạt, dùng muỗng múc dưa tạo hình bóng, ngâm các viên dưa vào nước trái cây. Mình thì thường dùng một trong các loại nước: dâu, đào, chanh leo, táo... Nước trái cây pha ngọt hơn mức uống bình thường một chút.


- Sau khi ngâm nước trái cây khoảng 30 phút, vớt dưa ra, rải một lớp đường cát trắng lên dưa, tiếp đến rót 3 muỗng rượu (muỗng súp), trộn đều. Đúng điệu là phải xài rượu Vodka, tuy nhiên nhà mình thành phần phụ nữ trẻ em chiếm đa số nên dùng vang cho nhẹ.


Xong rồi, bỏ hộp cất tủ lạnh:


Khi nạo các viên dưa thì sẽ còn lại phần dưa thủng lỗ chỗ..., nếu vất đi thì cũng phí, vậy ép làm nước uống nhé:



Nếu muốn thành phẩm có nhiều màu sắc đẹp, bạn có thể kết hợp dưa đỏ với dưa vàng, hoặc dưa gang xanh...


Buổi tối ngồi đọc sách, bên tai là chút nhạc hòa tấu bay bổng, múc những viên dưa ngâm rượu ra nhấm nháp, thật là dễ chịu vô cùng.