Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Cách Chống Nấm Mốc Cho Máy Giặt

Bạn có nhận thấy những vết nấm mốc hoặc các mảng đen bám trên cửa máy giặt hoặc trong lồng giặt bắt đầu xuất hiện không?

 Bạn không phải là trường hợp duy nhất đâu – nấm mốc ở máy giặt cửa trước là một vấn đề rất phổ biến do đặc điểm máy có độ ẩm cao. Tuy nhiên, thật may là có một số cách thức hay có thể giúp bạn phòng tránh. Việc chăm sóc máy giặt rất dễ dàng, bạn chỉ cần làm theo một số bước đơn giản dưới đây.
Cách dễ nhất là, hãy luôn nhớ để cửa máy giặt mở sau mỗi lần giặt và lau qua máy giặt sau mỗi lần giặt xong. Điều nữa vô cùng quan trọng đó là bạn cần kiểm tra các lỗ thoát. Nếu nó bị bám tóc rụng thì bạn cần nạo vét các chất bẩn để nước không bị đọng lại bên trong máy. Ngoài ra sử dụng bột giặt phù hợp cũng góp phần tạo nên sự khác biệt – bạn hãy lựa chọn một loại bột giặt hiệu quả, nó sẽ không để lại các chất cặn như các loại bột giặt thông thường, hơn nữa lượng bột giặt cần cho mỗi lần giặt cũng ít hơn. Hãy lưu ý là bạn không nên dùng quá nhiều bột giặt trong mỗi lần giặt.
Ảnh minh họa về máy giặt

Lượng bột giặt thừa có thể do không được hoà tan hết trong nước và thoát ra ngoài nên sẽ bám lại trên viền cửa máy, gây ra nấm mốc. Bạn cũng cần kiểm tra độ cao nơi đặt máy giặt, nếu đặt máy quá thấp thì nước có thể không được xả hết hoàn toàn, bạn có thể cải thiện bằng cách dùng một miếng kê để nâng máy giặt lên. Nếu có thể bạn nên tránh dùng nước xả vải; giấm trắng trong bước vò quần áo sẽ giúp giũ hết lượng bột giặt còn bám lại. Giấm trắng cũng có thể dùng để vệ sinh lồng giặt: bạn hãy chạy một mẻ giặt trống chỉ với giấm và muối nở (baking soda), việc này sẽ giúp ngăn ngừa nấm mốc và không bị mùi hôi.
Thế nhưng với các nấm mốc đã phát triển và bạn bắt đầu nhận thấy các vết bám đen và mùi ẩm mốc khó chịu trên máy giặt thì sao? Nước nóng và chất tẩy sẽ giúp loại bỏ một cách hữu hiệu, nhưng để đạt hiệu quả tốt bạn cần kiên trì làm đi làm lại vài lần.
Hãy pha một ít thuốc tẩy với nước – 5 cốc nước với nửa cốc thuốc tẩy. Sau đó, bạn hãy lau bên trong máy giặt bằng một cái khăn khô thấm với hỗn hợp thuốc tẩy. Sau đó, hãy chạy một mẻ giặt thông thường với nước nóng, không bỏ quần áo và bột giặt vào máy, thay vào đó là một cốc thuốc tẩy. Chạy thêm một quy trình giặt nữa sau mẻ đầu tiên để đảm bảo rằng toàn bộ thuốc tẩy đã được loại bỏ hoàn toàn để không còn bám trên quần áo về sau. Hãy lặp đi lặp lại bước này cho đến khi bạn không còn thấy một vết mốc hay mùi hôi nữa. Nếu càng kiên trì thì về sau bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều thời gian, sẽ nhanh hơn khi loại bỏ nấm mốc hoàn toàn trong một lần thay vì lại lặp lại vấn đề tương tự sau một tuần.
Tuy nhiên, nếu sau tất cả những nỗ lực này mà bạn vẫn không thể loại bỏ mùi hôi do nấm mốc, thì bạn có thể liên lạc với nhà sản xuất máy giặt và kiểm tra xem có cần thay thế bộ phận nào không. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng – việc này ít khi xảy ra. Khi bạn dành thời gian để vệ sinh máy cộng với việc ngăn ngừa nấm mốc trong tương lai thì bạn sẽ hoàn toàn yên tâm.
Thủy Tiên

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Cách loại bỏ nấm mốc trên quần áo

LÀM SAO ĐỂ LOẠI HẾT CÁC VẾT BẨN BÁM TRÊN QUẦN ÁO CỦA BẠN

Bạn có nhận thấy những mảng bám đen khó chịu trên quần áo không? Nấm mốc trên quần áo là một vấn đề phổ biến, đặc biệt trong điều kiện thời tiết ẩm. Nhưng may mắn là không có lí do gì bạn phải vứt bỏ chiếc áo quần yêu thích của mình chỉ vì nấm mốc cả. Tuy vậy, bạn cũng không thể loại bỏ nó hoàn toàn nếu chỉ giặt nó bình thường bằng máy giặt. Loại bỏ nấm đen và vết bám trên quần áo cần nhiều nỗ lực hơn, tuy nhiên sẽ hoàn toàn có thể được giải quyết nếu bạn luôn nhớ rằng, xử lí vết bẩn ngay khi vừa phát hiện ra; vì các vết bẩn bám lâu ngày sẽ trở nên khó tẩy hơn rất nhiều. 
Ảnh minh họa quần áo
Nếu bạn có nấm mốc trên quần áo, nhiều khả năng đó là do nó bị phơi ngoài thời tiết ẩm hoặc bị ẩm quá lâu. Phơi quần áo ngay khi giặt xong là cách tốt nhất để ngăn ngừa nấm trên quần áo. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên khăn tắm ẩm trong túi sau khi ở phòng tập gym về, hoặc quần áo bơi cũng thế. Quần áo ẩm không những dễ bị nấm mốc hơn mà nó còn tăng độ ẩm trong nhà bạn. Việc giữ cho nhà luôn sạch và khô là việc rất quan trọng, nếu bạn không muốn thường xuyên phải đối phó với ẩm ướt và mùi hôi khó chịu.
Khi bạn phát hiện ra vết bẩn do nấm mốc, bước đầu tiên phải làm là chải sạch nấm mốc đi, tốt nhất là ở ngoài trời. Bạn hãy dùng một cái bàn chải để làm mềm và chải sạch vết bẩn. Sau đó, nếu bạn đã loại bỏ được hầu hết mảng bám, bây giờ là lúc cho quần áo vào máy giặt và kiểm tra kĩ phần hướng dẫn giặt trên quần áo để xem có gì cần lưu ý không. Nếu có thể, bạn nên dùng nước nóng để giặt thay vì nước lạnh.
Sau khi giặt xong, nếu vết bẩn được loại bỏ hoàn toàn, bạn hãy để áo quần khô tự nhiên ngoài trời. Nhiệt độ cao trong máy sấy có thể khiến vết bẩn trở nên khó tẩy hơn. Ánh nắng mặt trời còn có tác dụng loại bỏ nấm mốc rất hiệu quả.
Nếu vết bẩn vẫn chưa hết, thì trước tiên hãy ngâm quần áo vào nước, sau đó đổ một ít thuốc tẩy lên vết bẩn, bạn chú ý dùng loại thuốc tẩy phù hợp cho quần áo. Chất tẩy không chứa clo là an toàn nhất cho mọi loại vải, nhưng để chắc chắn, bạn nên nghiên cứu kĩ trước khi thực hành. Đa số các loại vết nấm mốc đều được loại bỏ sau khi giặt nếu như được ngâm kỹ trước đó.
Một phương pháp giặt tẩy tự nhiên hơn đó là dùng giấm trắng, nó không những được biết đến với công dụng loại trừ các vết nấm mốc, mà còn giúp tẩy sạch mùi hôi trên áo quần. Hãy ngâm quần áo của bạn trong giấm trắng, hoặc đổ thêm một hoặc hai chén giấm vào đồ giặt.
Thủy Tiên

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Bạn có biết một vài món ăn kỵ nhau hay không?

 Không phải ăn gì cũng được, có nhiều món ăn kết hợp với nhau thì rất bồi bổ cho cơ thể nhưng lại có nhiều món ăn khi ăn chung với nhau chúng trở nên thật tai hại cho sức khỏe của bạn.

Để bữa ăn gia đình vừa ngon vừa đảm bảo sức khỏe thì việc lựa chọn thực phẩm là điểu không thể coi nhẹ. Một số thực phẩm kỵ nhau mà nhiều người chúng ta không để ý đến.

-         Trong quá trình hấp thụ và chuyển hóa, giữa các thành phần của thức ăn luôn có những tương tác rất phức tạp. Chúng có thể “hợp đồng tác chiến”( chẳng hạn vitamin A giúp tăng cường sự tổng hợp chất đạm, vitamin C xúc tiến quá trình hấp thụ sắt) kiềm chế lẫn nhau ( chất này cản trở sự hấp thu và chuyển hóa chất kia).

-         Hậu quả của sự phối hợp không hợp lý các thức ăn sẽ trở thành gánh nặng đối với cơ thể. Khi gánh nặng đó vượt qua khả năng tự điều chỉnh, cơ thể sẽ bị trúng độc

Tại Đài Loan, một phụ nữ chết thình lình với dấu hiệu chảy máu, mũi, mồm, tai và mắt. Khám phá đầu tiên được chẩn đoán là chết vì ngộ độc thạch tín. Nhưng thạch tín ở đâu ra? Cảnh Sát mở một cuộc nghiên cứu sâu rộng. Một giáo sư y khoa được mời đến giải quyết trường hợp này. Bác sĩ quan sát tỉ mỉ các thành phần trong dạ dày người chết chưa tới nửa giờ. Bí mật đã được giải quyết.. Bác sĩ nói "Người chết không tự tử, không bị giết. Bà chết tức tưởi. Mọi người điên đầu! Tại sao chết tức tưởi ? - Bác sĩ nói chất thạch tín được tạo ra trong dạ dày người chết. Người uống Vitamin C mỗi ngày. Vitamin C tự nó không thành vấn đề. Vấn đề là bà ta ăn nhiều tôm vào bữa tối. Ăn tôm cũng không thành vấn đề vì nhiều người trong gia đình bà ta cũng ăn tôm tối hôm đó. Tuy nhiên, cùng lúc bà ta lại uống Vitamin C. ĐÓ CHÍNH LÀ VẤN ĐỀ! Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Chicago ở Mỹ qua một thí nghiệm đã tìm ra vỏ mềm của tôm chứa nhiều postasium 5 tổng hợp với thạch tín Arsenic Oxide (As2O5). Những thực phẩm tươi này cũng không độc đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, ngay lúc đó uống Vitamin C vào, phản ứng hoá học xảy ra, Arsenic Oxide sẽ chuyển thành ADB arsenic anhydride (As203) là chất thường dùng để vẽ viền vàng trên chén đĩa. Chất Arsenic độc này làm tê liệt các mạch máu nhỏ của tim gan, thận, ruột và biểu mô, gây xuất huyết tai, mắt, mũi, miệng. Vậy khi uống Vitamin C, không nên ăn tôm có vỏ. Hãy chuyển tin này đến gia đình và bạn bè để phòng ngừa phải cẩn thận khi ăn Tôm và uống thuốc.

Một số món ăn kỵ nhau:

1.Không nên xào nấu gan lợn với giá đỗ.

Các nhà khoa học phân tích 100g gan lợn thấy có 2,5mg đồng và trong giá đậu có nhiều vitamin C. Nếu ta xào lẫn hoặc ăn gan lợn với giá đậu cùng một lúc hoặc trong thời gian gần nhau sẽ làm vitamin C bị oxy hoá. Kết quả giá đậu thành chất bã sẽ không còn chất bổ.

2.Không  nấu gan động vật với carốt, rau cần

Không nên dùng các loại rau, củ, quả này sau khi ăn món gan động vật. Lý do là trong gan động vật, hàm lượng đồng, sắt và một số nguyên tố kim loại khác khá cao. Các ion kim loại rất dễ làm cho vitamin C có trong loại rau, củ, quả này bị ôxy hóa và mất hết công hiệu. Ngoài ra loại rau, củ, quả này chứa nhiều chất  cellulose và acid oxalic  ảnh hưởng tới sự hấp thụ sắt  của cơ thể.

3.Không ăn dưa chuột với cà chua.

Vì trong dưa chuột chứa một loại men phân giải VitaminC, khi ăn dưa chuột với Cà chua hay những loại thực phẩm giàu VitaminC sẽ không tốt vì làm giảm khả năng hấp thụ Vitamin C của cơ thể.

4.Sữa đậu nành và trứng gà: 

Sữa này có men protidaza kiềm chế các protein trong trứng gà, cản trở tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy bụng.

5.Sữa bò và nước hoa quả chua (Cam, quýt):

Sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%. Khi sữa bò pha lẫn hoặc uống cùng với nước trái cây chua sẽ làm cho chất cazeine kết dính, lắng đọng lại làm cho khó tiêu và rối loạn tiêu hóa. Nếu trẻ uống lâu dài sẽ rất mắc bệnh methemoglobin,bệnh này gây khó thở, tím tái và có nguy cơ khiến trẻ tử vong. Nước hoa quả có tính axít, làm biến đổi tính chất của sữa bò gây khó tiêu.

7.Tỏi + trứng vịt: nếu tráng trứng vịt với tỏi rất độc.

8.Sữa đậu nành và đường đen

Đường đen có chất axít Osalic và axít malic, nếu dùng đường đen sẽ gây ra tác dụng axít sinh ra chất "lắng biến tính", chất bổ sẽ bị giảm đi. Trẻ sơ sinh sẽ bị đầy bụng hoặc mất đi chức năng tiêu hóa. Vậy nên ta phải dùng đường trắng.

9.Thịt dê, thịt chó và nước chè: 

Thịt chó và thịt dê rất giàu protein. Nếu vừa ăn thịt chó hoặc thịt dê mà lại uống nước chè ngay thì chất acid tanic có trong nước chè sẽ kết hợp thành protein trong thịt chó hoặc thịt dê tạo thành chất tannalbin làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột dễ dẫn đến táo bón, nguy cơ gây ra ung thư.

10.Các loại động vật có vỏ sống trong nước + chất vitamin C:

Các loại động vật có vỏ: như tôm nước ngọt có nhiều hợp chất asen hóa trị 5 sau khi ăn nếu uống vitamin C hay ăn những thức ăn có chứa vitamin C như ớt, cà chua, mướp đắng, cam quýt, chanh... sẽ làm cho a sen hóa trị 5 biến thành a sen hóa trị 3, túc là chất thạch tín có độc bảng A có thể chết. Vì vậy đã uống vitamin C và ăn các thứ có vitamin C thì tuyệt đối không được ăn các loại động vật có vỏ sống trong nước.

11.Củ cải trắng và các loại lê, táo, nho:

Ceton đồng có trong những loại trái cây này phản ứng với axit cianogen lưu huỳnh trong củ cải, khiến người ăn bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.

12.Thịt dê kỵ giấm:

Giấm chứa nhiều acid acetic, thịt dê chứa nhiều hoạt chất sinh học và đạm, hai thứ ăn chung acid acetic sẽ phá hủy thành phần dinh dưỡng của thịt dê.

13.Rau dền và quả lê vốn kỵ nhau.

Nếu ăn cùng sẽ dễ bị nôn. Ngoài ra, bạn cũng không nên tráng miệng bằng quả lê sau bữa ăn có thịt ngỗng, vì hai món này khi kết hợp dễ gây sốt.

14.Hồng với cua.

Loại quả này cũng không nên ăn cùng khoai lang: Tinh bột trong khoai lang kích thích dạ dày tiết ra axít, tác dụng với chất chát tanin trong quả hồng, gây viêm loét và chảy máu dạ dày.

15.Thịt chó không nên ăn với tỏi (vì sẽ gây khó tiêu).              

16.Cá chép kỵ thịt cầy:

Cá chép chứa nhiều hoạt chất sinh học, thịt cầy cũng với thành phần dinh dưỡng phong phú, hai thứ ăn chung xảy ra phản ứng hóa học phức tạp, sản sinh ra chất có hại cho cơ thể.

17.Bí rợ kỵ cải thìa:

Bí rợ chứa enzym phân giải vitamin C, khi ăn chung với cải thìa sẽ làm giá trị dinh dưỡng của cải thìa.  

18.Muối tiêu và khoai môn (nếu ăn cùng dễ làm ruột đau thắt). Chuối hột thì kỵ mật mía, đường (ăn cùng lúc bị chướng bụng).

19.Dưa hấu và thịt dê (ăn cùng dễ trúng độc).

20.Hoa quả nhiều axit tanic với hải sản kỵ nhau:

Các loại quả có tính axit tanic như ổi, hồng, nho nếu ăn cùng hải sản sẽ khó tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.

21.Cà chua kỵ khoai lang, khoai tây:

Cà chua chứa nhiều chất toan, cùng với khoai lang trong dạ dày sẽ hình thành chất khó tiêu, rất dễ dẫn đến đau bụng; tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.

22.Cà chua kỵ rượu:

Cà chua chứa acid tannic, có thể hình thành chất khó tiêu trong dạ dày, gây tắc nghẽn đường ruột.

23.Đậu hũ (tào phớ) kỵ hành:

Đậu hủ chứa nhiều calci, hành chứa acid oxalic, hai thứ ăn chung sẽ tạo kết tủa oxalac calci, không dễ tiêu hóa hấp thu, có hại cho cơ thể.

24.Đào lông kỵ thịt ba ba:

Thịt ba ba chứa nhiều đạm, đào lông chứa nhiều acid malic, acid này sẽ làm cho đạm bị biến chất, làm giảm giá trị dinh dưỡng, cho nên, thịt ba ba không thích hợp ăn chung với đào.

25.Tiêu muối kỵ chè - cháo:

Lương thực ngũ cốc đều chứa nhiều vitamin nhóm B; chất khoáng và xơ, các chất dinh dưỡng này rất dễ phân giải trong môi trường kiềm, tạo ra lãng phí dinh dưỡng, khi dùng ngũ cốc nấu cháo thì không nên bỏ tiêu muối (người ta nấu chè, cháo hay bỏ vào tiêu muối cho mau nhừ). ( Lời bình : Cái này chắc là muối diêm chứ không phải muối và tiêu.)

26.Thịt ba ba kỵ trứng gà:

Thịt ba ba chứa nhiều hoạt chất sinh học, trứng gà là đạm chất lượng cao, hai thứ ăn chung sẽ dẫn đến chất đạm biến chất; làm giảm giá trị dinh dưỡng, thai phụ và sản phụ không nên ăn.

27.Thịt bò kỵ hạt dẻ:

Thịt bò chứa nhiều đạm, hạt dẻ chứa nhiều vitamin C làm cho đạm bị biến chất, dẫn đến làm giảm giá trị dinh dưỡng.

28.Cà rốt kỵ củ cải:

Cà rốt chứa nhiều enzym phân giải vitamin C, củ cải giàu vitamin C, hai thứ này ăn chung sẽ phá hủy các thành phần dinh dưỡng.

29.Củ cải kỵ nấm mèo đen:

Củ cải chứa nhiều engym, nấm mèo đen chứa nhiều hoạt chất sinh học, hai thứ ăn chung có thể phát sinh phản ứng hóa học phức tạp, dẫn đến phát sinh viêm da.

30.Rượu kỵ thịt bò:

Thịt bò có tác dụng bồi bổ, rượu cũng là chất cay nóng, hai thứ ăn chung dễ dẫn đến các chứng như táo bón; viêm khóe miệng; mắt đỏ; ù tai

31.Nhân sâm và hải sản kỵ nhau:

Khi uống nhân sâm, nên kiêng ăn tất cả các loại củ cải (đỏ, trắng, xanh...) và hải sản đều là cấm kỵ sau khi bạn uống nhân sâm. Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng. Dù là sắc hay hấp cách thủy, bạn cũng không được dùng đồ kim loại để nấu nhân sâm. Sau khi dùng loại dược liệu này, bạn không được uống trà, vì trà sẽ làm giảm tác dụng của nhân sâm. 

32. Thịt gà với rau kinh giới

Rau kinh giớidùng chung với thịt gà sẽ gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu. Nếu ăn thường xuyên có thể khiến bạn khó đi ngoài

33. Óc lợn với  trứng gà

Dùng trứng chung với óc lợn sẽ làm tăng cholesterol trong máu, dễ làm người ăn bị chứng cao huyết áp đột ngột, dẫn đến tử vong

34.Trứng gà với đường

Protein và đường xung khắc với nhau: Lysine và đường có trong sữa bò sẽ có phản ứng ở nhiệt độ cao, làm cho các acid amin mất đi. Trứng gà và đường không nên nấu cùng nhau cũng vì lý do này. Nhưng bạn có thể đun nóng sữa, nấu chín trứng gà rồi để nguội sau đó cho đường vào thì sẽ không có vấn đề gì.

35. Đậu phụ với rau chân vịt

Acid oxalic và sắt, mangie xung khắc với nhau: Đậu phụ kỵ ăn cùng với rau chân vịt vì trong đậu phụ có chứa magnesium chloride, calcium sulfate, còn trong rau chân vịt lại chứa acid oxalic, hai chất này gặp nhau sẽ tạo thành magnesium oxalate và calcium oxalate. Hai chất lắng đọng màu trắng này không được cơ thể hoan nghênh, không những ảnh hưởng tới sự hấp thụ canxi của cơ thể mà còn dễ bị kết sỏi

36. Đậu phụ (táu hũ) với mật ong

Trong tàu hũ thường có thạch cao và trong mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày làm người ăn khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Đặc biệt, nếu người đó có bệnh về tim mạch, thời gian dẫn đến tử vong càng nhanh hơn

37. Khoai lang với trái hồng

Trong trái hồng có chứa vị chát (tanin) và pectin. Khi ăn khoai lang cùng với hồng, tinh bột trong khoai lang sẽ tiết ra nhiều vị toan lẫn với chất tanin và pectin trong hồng, hình thành sỏi dạ dày. Nếu tình trạng nặng sẽ gây loét và chảy máu dạ dày. Những người bị đau dạ dày phải chú ý hơn để tránh ăn cùng lúc những món này

38. Cà rốt, rau câu, rau cải với dấm

Carontine và acid acetic xung khắc với nhau: Xào cà rốt tuyệt đối không được cho giấm, vì acid acetic sẽ phá hoại hết lượng carontine. Cũng như vậy, rau câu, rau chân vịt, rau cải có chứa nhiều carontine cũng không nên cho giấm vào khi xào

39. Uống nhiều nước có gas trong khi ăn

Anh hưởng đến quá trình tiêu hóa, cụ thể là làm loãng dịch vị, gây cản trở co bóp thức ăn dẫn đến viêm dạ dày.
Tham Khảo

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Canh ếch nấu chua

Canh ếch nấu với thơm và cà chua không có gì lạ, nhưng hôm nay mình biến tấu một chút hương vị với việc thay me chua bằng nước chanh leo, kết quả là trên cả tuyệt vời. Nồi canh chua ngọt vị thanh mát và thơm rất đỗi dịu dàng.


Chuẩn bị:

- 3 con ếch lớn (khoảng 600-700g)
- 2 quả cà chua thường, 4-5 quả cà chua cherry ngọt
- 1/2 trái thơm
- 1 trái chanh leo
-  một ít hành cần, ngò gai, gừng, sả
- hạt nêm, nước mắm ngon


Thực hiện:

1. Ếch làm sạch, chặt lấy đùi, phần trên lóc thịt hai bên. Thịt và đùi ếch ướp với 1 tsp nước mắm ngon và ít gừng giã nhỏ.

2. Phần thân giữa của ếch nhiều xương bằm nhỏ, cho vào nồi cùng 500ml nước lạnh, 2 tsp hạt nêm, 1 nhánh sả đập dập, 1 lát gừng => nấu liu riu cho ngọt nước.

3. Cà chua thái múi cau, thơm cắt miếng vừa ăn, cà chua cherry ngọt bổ đôi để riêng, hành cần và ngò gai thái nhỏ.

4. Phi thơm hành tím, cho ếch vào xào săn rồi cho cà chua và thơm vào xào tiếp cho vừa chín thì tắt bếp.

5. Chanh leo lấy ruột hòa cùng 100ml nước lọc (nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội), ép lấy nước chanh leo.


6. Nước dùng đã nấu xong, hớt bọt và lọc lấy nước trong, bỏ bã. Cho thịt ếch và cà chua, thơm đã xào vào nồi nước dùng nấu cho sôi lại rồi thả cà chua cherry ngọt và rau cần + ngò gai vào, tắt bếp.

7. Hòa nước chanh leo vào nồi canh, nêm nếm lần cuối.


Đây là một món canh giàu dinh dưỡng và rất ngon miệng. Thịt ếch ngọt bùi không còn vị tanh do đã được nấu với gừng và sả. Hương vị nước dùng là điểm nhấn đặc sắc của món canh này với vị ngọt đậm đà từ xương ếch, vị chua thanh mát của chanh leo và cà chua, hương thơm tao nhã từ các loại quả và rau gia vị. Món ăn có sự kết hợp của nhiều màu sắc cũng tạo sức cuốn hút về nhãn quan.



Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Khám phá gia vị Tây

Gia vị luôn là một nét đặc sắc của ẩm thực. Biết phối hợp một cách nhuần nhuyễn các loại gia vị sẽ làm cho món ăn thêm phần thơm ngon và tinh tế. Vì hầu hết chúng ta đều đã quen thuộc với những loại gia vị Á Đông nên trong bài này mình sẽ chia sẻ chút ít kiến thức và kinh nghiệm về các loại gia vị Tây, thường ứng dụng nhiều trong các món nướng, soup, hầm, salad và mì.

Nhiều bạn ít tiếp cận với đồ Tây dễ có cảm giác là món Tây khó ăn, không hợp khẩu vị. Thực ra, ẩm thực Tây Phương mà điển hình là các nước vùng Địa Trung Hải như Pháp, Ý, Tây Ban Nha... vốn đã có tiếng từ lâu đời. Sự phối hợp các loại gia vị trong món ăn cũng đã được nâng tầm lên thành một nghệ thuật. Ở đây mình dùng từ GIA VỊ với nghĩa chung là SEASONINGS, bao gồm cả herbsspices. Mình cũng chỉ nêu một số loại chính, nhiều ứng dụng, chứ không thể đề cập hết được vì thế giới gia vị vô cùng phong phú.


CÁC LOẠI RAU THƠM - HERBS

Đối với dân làm bếp thì herb là các loại rau thơm, thường là phần lá, có thể dạng tươi hoặc dạng khô, nhằm tăng hương vị cho món ăn.

1. Ngò Tây (Parsley)

Ngò Tây có hai loại: curly parsley (ngò xoăn) và flat pasley (ngò thẳng). Tên parsley nói chung thường ám chỉ loại ngò xoăn, nhưng flat parsley thì mùi hương đậm hơn, thường được dùng trong các món ăn Ý. Ngò Tây xoăn dùng để trang trí món ăn cũng rất đẹp.

Parsley kết hợp với tỏi tạo mùi hương rất thơm nên thường được dùng làm bánh mì bơ tỏi, các loại xốt, soup...


2. Xô thơm (Sage)

Lá xô thơm có vị nồng và ấm, rất thích hợp với các món nướng, đặc biệt là thịt gia cầm, thịt heo, xúc xích... Heo mọi nướng xô thơm, hay gà ướp xô thơm cùng chanh vàng rồi nướng giấy bạc, cứ gọi là thơm phức. Làm khoai tây bọc phô mai chiên xù có chút bột xô thơm sấy cũng rất ngon. Món cà tím nướng mà có lá xô thơm thì tuyệt cú mèo.

Tùy món mà mình dùng lá xô thơm tươi hoặc sấy khô. Cây này cũng dễ trồng, như các loại rau gia vị khác.


3. Hương thảo (Rosemary)

Nếu bạn là người yêu thích món nướng, thì trong nhà không thể thiếu lá hương thảo. Lá này rất thơm (đúng như cái tên của nó), dùng để ướp đồ nướng, hoặc chế biến nước xốt, nêm soup hay các món hầm... rất ngon. Lá hương thảo rất hợp với thịt bò, thịt gà. Nếu bạn không thích mùi thịt vịt thì hãy ướp cùng với lá hương thảo và chút bạc hà. Lá hương thảo kết hợp với rượu vang đỏ và táo xay làm nên thứ nước xốt hấp dẫn đầy hương vị, có thể dùng chấm thịt hay hải sản.



Lá hương thảo chủ yếu dùng để ướp đồ nướng hay nấu các món hầm nên dùng lá sấy khô tiện hơn. Bạn cũng có thể gieo hạt giống để trồng lấy lá tươi.


4. Cỏ xạ hương (Thyme)

Cỏ xạ hương là loại rau gia vị thường thấy trong các món ăn vùng Địa Trung Hải. Khác với lá hương thảo vốn được xem là "hữu xạ tự nhiên hương", cỏ xạ hương thường phải nấu lâu mới tỏa mùi thơm nên nó hợp với các món hầm. Các món cá nướng với cỏ xạ hương và chanh vàng cũng rất thơm.



Parsley, sage, rosemary và thyme là bốn loại rau thơm đặc trưng nhất của phương Tây. Trong bài hát nổi tiếng Scarborough fair có câu đầu tiên như thế này: “Are you going to Scarborough fair? Parsely, sage, rosemary and thyme”. Theo tục lệ thì trong dịp lễ Thanksgiving, giữa bàn ăn luôn có một con gà Tây ướp với 4 loại rau thơm này. Mình thì không thích gà Tây nhưng cũng công nhận 4 loại rau thơm trên ướp với nhiều món ăn tạo hương vị rất thơm ngon.

5. Húng quế Tây (Basil)

Basil có loại lá lớn, lá nhỏ và lá tím. Basil tím rất thơm, dùng làm gia vị các món mì không những đẹp màu mà còn có mùi vị hấp dẫn. Basil xanh vị cay nhẹ, thanh mát, hợp với các món soup, salad, pizza. Cây này rất dễ trồng, mình rắc mớ hạt nó lên phơi phới, xanh mướt đầy sức sống. Đây phải nói là vừa ưu điểm vừa nhược điểm của basil. Ưu là dễ trồng dễ sống, nhược là vì nó dễ quá, khỏe quá nên ăn hết chất dinh dưỡng từ đất của các cây khác, nên phải trồng riêng.



Basil khô cũng rất thơm (thậm chí còn thơm hơn lá tươi) và dễ sử dụng cho nhiều món nên đây là loại gia vị cần có trong nhà.


5. Oregano

Lá oregano thường được dùng cho các món "rặt" Tây như pizza, bánh mì bơ tỏi... nên có lẽ vì thế mà cũng khá xa lạ với người Việt, và cũng không biết tiếng Việt gọi lá này là  gì. Lá này có vị nồng, ấm và theo cảm nhận cá nhân thì mình thấy lá sấy khô có mùi hương đậm đà và dễ chịu hơn là lá tươi.

6. Chervil

Không biết phải dịch cái lá này là gì. Về hình thức thì nó khá giống với ngò rí (tiếng Anh là coriander), nhưng lá nhỏ  hơn và yểu điệu hơn. Rau này đặc biệt hợp với các món trứng. Làm trứng ốp la, trứng chiên mà có chervil thì rất thơm. Ngoài ra dùng nó để trang trí các món ăn cũng rất đẹp (mình thấy đẹp hơn ngò).


7. Sorrel

Đây là một loại rau lá chua, dùng để trộn salad hay tạo chua cho cánh, soup rất ngon. Vị chua cũng rất thanh dịu.


8. Lá nguyệt quế (Bay)

Lá này thơm dai và giống như cỏ xạ hương, thường phải nấu lâu lâu mới thơm nên phù hợp với các món hầm, ragu... Lá nguyệt quế hóa giải mùi hoi của các loại thịt như thỏ, cừu, vịt... khá hữu hiệu.



9. Tỏi tây (Leeks)

Tỏi tây là loại rau gia vị khá quen thuộc với người Việt dưới cái tên hành boaro, có mùi thơm nhẹ và không hăng như hành nên có thể dùng được cho món chay. Tỏi tây dùng để nấu soup rất ngon, đặc biệt phù hợp với các món bò và gà. Nhà mình rất thích món soup kem và tỏi tây là thứ gia vị không thể thiếu cho các món ăn này.


10. Cỏ ngọt (Stevia)

Stevia là một loại thảo mộc có lá mang vị ngọt tự nhiên (rất ngọt, gấp 200-300 lần đường thường), nhưng không chứa calo, không gây sâu răng và không ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu. Chính vì thế stevia được chế biến thành đường kiêng và ngày nay rất được tin dùng dù chi phí có hơi cao vì nó phù hợp với mọi đối tượng và tốt cho sức khỏe.

Stevia cũng rất dễ trồng. Mình trồng stevia lá xanh mơn mởn. Chỉ cần ngắt một ít lá tươi thả vào trà là có món uống ngọt ngào thanh mát. Lá stevia cho vào nước xốt, soup, nước dùng... cũng tạo vị thanh ngọt tự nhiên rất dễ chịu. Nhà mình cũng dùng đường stevia của Mỹ cho các món đồ uống. Stevia dùng với bạc hà rất hợp.


11. Oải hương

Oải hương không chỉ đem lại hương thơm nồng nàn mà có còn là một loại thảo mộc rất tốt cho sức khỏe. Nụ hoa oải hương khô có thể dùng làm gia vị hoặc uống trà, chỉ cần dùng chưa đến 1g là mùi hương đã ngào ngạt, vì thế khi dùng nhớ để ý đừng cho quá nhiều, mùi sẽ rất nồng.

Oải hương hợp với các món rau trộn khi dùng chung với basil và cỏ xạ hương, ngoài ra cũng rất hợp với các món nướng và thịt cừu. Mùi oải hương rất mạnh, nên có thể nói là "thuốc đặc trị" cho những loại thịt nặng mùi như cừu.

Nếu bạn thích làm bánh, hãy bỏ một ít nụ oải hương vào hũ đường và đóng kín trong vài tuần, đường sẽ được ướp một làn hương ngọt ngào, sau đó dùng để làm bánh hay các món tráng miệng.


Đối với các loại thảo mộc thì nên dùng dạng tươi hay dạng khô? Trên lý thuyết là dùng kiểu nào cũng được, tùy theo thói quen và sự thuận tiện. Theo kinh nghiệm cá nhân thì mình thấy những loại rau dùng để trộn salad hoặc nấu canh như basil, bạc hà, sorrel thì dùng lá tươi ngon hơn là lá khô, còn những rau có vị nồng ấm để tẩm ướp như hương thảo, oregano... thì dùng lá sấy khô rất đượm vị. Một điểm khác biệt khi dùng là lá tươi thường cho vào khi thức ăn gần chín hoặc vừa chín, còn lá khô thì cho vào ngay từ đầu hoặc trong quá trình tẩm ướp.

CÁC LOẠI GIA VỊ KHÔ - SPICES

Khác với Herbs, Spices là các phần còn lại của cây như vỏ, rễ, hạt, thân... thường ở dạng khô (nguyên dạng hoặc xay nhỏ), cũng dùng để tăng hương vị cho món ăn.

12. Hạt thì là (fennel seeds)

Ở đây mình muốn phân biệt giữa hai loại gia vị đều được gọi là thì là, đó là dill và fennel. Dill là cây thì là thông dụng ở Việt Nam hay dùng để nấu canh cá, và nó thường được khai thác dạng rau tươi. Fennel có lá nhỏ hơn nhưng thân lại to hơn, thường được khai thác hạt. Hạt fennel rất thơm, nhất là loại fennel hoang dã trồng ở các vùng núi đá. Hạt fennel ướp các món ăn, nấu nước dùng hay uống trà đều hấp dẫn cả. Nó cũng là một loại thảo dược tốt cho sức khỏe.

Thì là fennel trồng ở nhà mình, lá khác với thì là ta (dill)

Mình thì hay uống trà hạt thì là, và với các món nước (bún, phở) bao giờ cũng bỏ thêm một ít hạt thì là cho nước dùng được thơm.


13. Hạt ngò (Coriander seeds)

Cây ngò rí, hay còn gọi là rau mùi, xưa nay vẫn thường được khai thác lấy lá làm rau thơm là chủ yếu. Ở phương Tây thì hạt ngò khá thông dụng. Cũng như hạt thì là, đây là loại gia vị cần có trong tủ bếp vì hương vị đặc sắc lẫn dược tính của nó. Sườn nướng hoặc gà nấu nấm nếu có hạt ngò thì độ thơm ngon sẽ tăng lên rất nhiều lần. Hạt ngò cũng trị chứng khó tiêu, cảm cúm và giải độc (đặc biệt nước hạt ngò có tác dụng giải độc thủy ngân tốt)


14. Bột tỏi (Garlic powder)

Nói thật là sau khi dùng bột tỏi thì mình cảm thấy không mặn mà với tỏi tươi nữa. Tỏi sấy khô và nghiền nhỏ (granule) hoặc xay thành bột mịn (powder) đều có mùi thơm rất dễ chịu, không hăng. Bột tỏi được dùng trong hầu hết các món tẩm ướp từ nướng đến chiên, xào... rất tiện và thơm, lại khỏi bẩn tay.


15. Quế (Cinamon)

Ở VN thì quế hay được dùng như một loại thảo dược hơn là gia vị. Ở nhà mình thì quế rất được trọng dụng, và có đủ cả 3 dạng: vỏ khô, bột quế lẫn nước hương quế. Vỏ quế thì để uống trà, vừa thơm vừa tăng sức đề kháng. Mùi hương quế lan tỏa trong lò vi sóng lẫn căn phòng nhỏ những ngày se lạnh thật là dễ chịu. Bột quế ướp thịt ngon và trộn vào yaourt cũng thơm. Những món nướng ướp chút bột quế vừa thơm, vừa lên màu hấp dẫn, vì thế mình rất hiếm khi dùng mật ong.



16. Hồi (Anise)

Hoa hồi rất hợp với nước dùng gà, bò, các món salad, gà xé phay và cả món nướng. Ở nhà mình thường dùng nước hương hoa hồi cho tiện và đều mùi. Sắp tới sẽ mua thử bột hồi dùng xem sao.



MỘT SỐ GIA VỊ KHÁC

17. Chanh vàng (Lemon)

Đúng ra thì chanh vàng không phải là gia vị, tuy nhiên, mình vẫn dùng chanh vàng cho nhiều món nướng và đối xử nó như một loại gia vị nên vẫn đề cập trong bài này.

Hồi nhỏ học tiếng Anh do không được tiếp cận thực tế nên cứ nghĩ lemon là quả chanh xanh ở VN, sau này mới biết đó là lime, còn lemon là chanh vàng. Nước cốt chanh vàng cùng vỏ chanh thái móng để ướp đồ nướng, hoặc đơn giản là thái lát tròn mỏng rồi nướng cùng thảo mộc làm các món cá, gà... mất mùi tanh và rất thơm.


18. Gia vị hỗn hợp

Ngoài những gia vị riêng lẻ, các bạn Tây hay có một thứ gọi là seasoning mix, với sự kết hợp của nhiều spices lẫn herbs đã sấy khô và muối nhằm tạo ra một hỗn hợp tẩm ướp sẵn phù hợp một hoặc nhiều món ăn nào đó, VD gia vị ướp món nướng, gia vị ướp thịt gà/ cá/ heo/ hải sản/ xúc xích, gia vị barbecue, gia vị Ý... Tùy theo thói quen và sở thích mà bạn chọn cho mình những loại gia vị phù hợp. Như nhà mình hay ăn đồ nướng thì rất thích dùng hộp này:


Hộp này ướp thịt rất thơm. Thành phần thì bao gồm nhiều thứ: hạt thì là, hạt ngò, xô thơm, hương thảo, cỏ xạ hương, hồi hương, muối, tiêu, ớt, hành, hạt cải. Tỉ lệ đã được đong đếm phù hợp nên phải nói là rất tiện, khỏi phải suy nghĩ món này ướp với cái gì, liều lượng bao nhiêu. Còn khi nào cần làm món có một gia vị chính nào đó, VD như mình làm gà nướng lá xô thơm và chanh vàng, thì ngoài gia vị chính cứ xúc thêm một muỗng seasoning mix này để hương vị hài hòa là ổn.


Gia vị là một phần của ẩm thực và cuộc sống, thiếu nó thì món ăn trở nên đơn điệu và nhạt nhẽo, mà thừa nó thì cũng không hay, cho nên sự khéo léo của người nấu khi phối hợp gia vị nằm ở hai chữ HÀI HÒA và VỪA ĐỦ. Tùy theo thói quen và khẩu vị của gia đình mà chúng ta dùng gia vị nào và liều lượng thế nào, các công thức chỉ có ý nghĩa tương đối và mang tính tham khảo.


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Ragu dưa hấu - thỏ ngọc chơi trăng

Món này làm trước Trung thu cả tuần để dự thi Cooking Challenge mà giờ mới post: ragu dưa hấu thịt gà với nước dùng thanh mát và óng ả trong hình hài chú thỏ ngọc đáng yêu giúp bữa ăn thêm phần thi vị. Bài này được giải yêu thích nhất.

Chuẩn bị:

- 1kg thịt gà, tốt nhất là chọn gà ta nguyên con
- 1 trái dưa hấu đỏ dáng dài khoảng 3kg
- 3 củ khoai tây cỡ vừa, hoặc 300g khoai tây bi
- 2 củ cà rốt
- Lá thơm bay (bay leaves)
- Tỏi tây (hành boa rô), hành ngò, ớt, nước mắm, hạt nêm, hành tím, bột tỏi

Thực hiện:

- Gà làm sạch, chặt miếng, ướp với chút nước mắm và bột tỏi. Lưu ý: không ướp đường hay bất kỳ chất tạo ngọt nào vì ragu nấu với nước dưa hấu đã có hương vị ngọt ngào tự nhiên.

- Khoai tây và cà rốt gọt vỏ, cắt miếng hoặc tạo hình hoa.

- Dưa hấu: Dùng dao cắt một đường hơi chéo đến 3/4 chiều dài trái dưa, tiếp tục vát xuống từ phần trên của dưa như trong hình. Dùng muỗng múc dưa chọn chỗ ít hạt và múc khoảng 10 viên dưa, sau đó dùng muỗng nạo hết phần ruột để ép lấy nước cốt.


Gà đã ướp xong, khoai tây, cà rốt, tỏi tây, hành ngò đã sơ chế xong, dưa hấu đã ép nước, lấy thêm khoảng 5 chiếc lá bay, như vậy tất cả nguyên liệu đã sẵn sàng.


Gà xào sơ cho săn, sau đó cho khoai tây, cà rốt, tỏi tây, lá bay vào nồi cùng 500ml nước ép dưa hấu và 3 tsp hạt nêm, nấu với nhiệt nhỏ cho chín mềm và nước hơi sánh lại.


Trong thời gian chờ ragu chín thì tỉa vỏ dưa hấu thành thỏ ngọc. Rất đơn giản: vỏ dưa sau khi đã được tạo hình cơ bản như hình minh họa phía trên, tiếp tục gọt 2 tai thỏ, khoét 2 lỗ tròn bằng trái nho làm mắt và 1 lỗ tròn bằng viên dưa hấu đã múc lúc nãy làm miệng. Từ khóe miệng của thỏ, dùng dao mũi nhọn khứa các vệt dài và lóc các khe vỏ xanh để làm râu thỏ. Dùng 2 quả nho đen, 1 viên dưa hấu gắn vào các lỗ đã khoét để làm mắt, miệng cho thỏ.



Ragu đã chín, lúc này vỏ dưa hình thỏ ngọc sẽ là cái tô lớn để đựng ragu. Không cần màu điều hay bất kỳ chất tạo màu nào, bản thân sắc đỏ tự nhiên của dưa hấu phối hợp với các nguyên liệu thịt gà và rau củ đã tạo nên một màu nước óng ả tuyệt đẹp. Vị nước dưa thanh mát, ngọt ngào mềm mại làm hương vị món ăn thêm hấp dẫn.


Đặt thêm các viên dưa vào ragu. Món này ăn nóng cùng bánh mì hoặc bún.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Lãng mạn soup bốn mùa

Có thơ bốn mùa rồi, giờ làm thêm soup bốn mùa nữa cho đủ bộ. :)


1. Soup dưa leo chanh dây - xanh mướt mùa xuân

Chuẩn bị: 500g dưa leo, 1 quả chanh dây, 150g tôm to, 1 muỗng soup bột bắp, 50g ngò, một ít hạt nêm

Thực hiện:

-  Tôm luộc cùng 200ml nước và 1 tsp hạt nêm. Tôm chín vớt ra lột vỏ chừa đuôi, bỏ chỉ đen. Nước luộc tôm hớt bọt cho trong, lược qua rây làm nước dùng.

- Dưa leo gọt vỏ, bỏ ruột, cắt miếng nhỏ. Ngò thái nhuyễn. Đem xay dưa leo và ngò thật nhuyễn mịn.

- Chanh dây lấy ruột hòa cùng một chút nước lọc, ép lấy nước chanh dây.

- Hòa 1 muỗng soup bột bắp vào nước dùng tôm, nấu cho chín và sánh lại, sau đó trút hỗn hợp dưa leo + rau ngò đã xay nhuyễn vào, khuấy đều, tắt bếp. Rót nước chanh leo vào nồi soup, khuấy đều và nêm nếm lần cuối.

- Múc soup ra tô/thố và đặt tôm lên trên bề mặt, trang trí với chút ngò thơm.




Soup dưa leo chanh dây có màu xanh mát rượi như lá mùa xuân và sắc cam của tôm xếp hình cánh hoa trông thật hấp dẫn, hương vị dịu dàng thanh khiết rất dễ ăn. Đây không chỉ là món soup ngon mà còn có tác dụng làm đẹp da, chống lão hóa, gìn giữ nét thanh xuân.

2. Soup cà chua lạnh - mát dịu chiều hạ đỏ

Chuẩn bị: 500g cà chua chín đỏ, 100ml kem tươi, 3 lát bánh mì, 10g bơ, vài nhánh ngò, một ít hạt nêm

Thực hiện:

- Phết bơ vào bánh mì, nướng vàng.

- Cà chua cắt miếng, ngò thái nhuyễn (lưu ý: ngò chỉ dùng vài nhánh để tạo hương, không dùng nhiều như soup chanh leo dễ làm nhạt màu cà chua).

- Bẻ nhỏ bánh mì đã nướng bơ, đem xay cà chua + bánh mì + ngò thật nhuyễn mịn.

- Trộn đều hỗn hợp đã xay cùng 80ml kem tươi (trừ lại một ít kem tươi để trang trí), thêm hạt nêm cho vừa miệng.

- Múc soup cà chua vào chén và bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, để ngăn mát tủ lạnh trong 4 tiếng. Khi ăn thì rót một ít kem tươi lên bề mặt trang trí.



Soup cà chua lạnh có vị chua dịu, hương thơm mát lạnh của rau quả hòa cùng bơ và kem tươi thực sự là món soup ngon xua đi những oi bức ngày hè.

3. Soup cà rốt cam tươi và cốt dừa - mênh mang mùa thu vàng

Chuẩn bị: 3 củ cà rốt, 1 trái cam tươi, 30g bột cốt dừa, một ít muối, rau ngò.

Thực hiện:

- Cà rốt gọt vỏ bào sợi. Cam vắt lấy nước cốt.

- Bột cốt dừa hòa cùng 100ml nước, đem nấu cùng cà rốt cho đến khi thật nhừ có thể tán nhuyễn (hoặc có thể dùng máy xay nếu muốn nhanh hơn). Thêm nước cam tươi và 1/2 tsp muối vào, khuấy đều.



Soup cà rốt cam tươi và cốt dừa thực sự là một món soup rất hấp dẫn cả về hình thức và hương vị. Màu món ăn đem lại hình ảnh những thảm lá đang "ánh vàng lên rực rỡ" cùng những cảm xúc dịu ngọt của mùa thu. Vị cà rốt ngọt ngào cùng hương cam mát lành và hương dừa thơm phức đem lại một cảm nhận đặc sắc về mùi vị. Đây cũng là món soup được các bé vô cùng yêu thích.

4. Soup củ cải khoai tây và ớt chuông - ấm áp mùa đông lạnh

Chuẩn bị: 2 củ cải trắng, 1 củ khoai tây vừa, ớt chuông đỏ (1 quả nhỏ hoặc 1/2 quả lớn), 300g thịt gà, 1 củ hành tây nhỏ, 1 nhánh tỏi tây, 1 muỗng soup rượu vang trắng, hạt nêm, ngò.

Thực hiện:

- Luộc gà với 300ml nước, 2 tsp hạt nêm và vài lát gừng. Gà chín vớt ra để nguội rồi xé nhỏ, nước dùng gà hớt bọt cho trong.

- Củ cải, khoai tây và hành tây gọt vỏ, cắt miếng. Ớt chuông cắt hạt lựu. Tỏi tây thái mỏng.

- Xào hành tây thật thơm, sau đó cho củ cải và khoai tây vào xào sơ cùng 1 muỗng soup vang trắng rồi đổ nước dùng gà vào nấu cho chín mềm.

- Bếp khác bắc chảo xào ớt chuông.

- Soup chín, thả vào 3 viên đá lạnh cho nguội bớt, cho vào máy xay nhuyễn. Làm nóng soup lại lần nữa.

- Múc soup ra thố, rải thịt gà xé nhỏ và ớt chuông xào lên trên cùng một ít ngò thơm. Dùng nóng.




Món soup mịn màng với màu trắng của củ cải, khoai tây và hành tây như cánh đồng tuyết mùa đông, nhưng không hề lạnh lẽo nhờ sắc đỏ nồng nàn của ớt chuông và mà xanh tươi tắn của tỏi tây và ngò - gợi hình ảnh một mùa Giáng sinh đầm ấm. Đây là món soup giàu dinh dưỡng với đầy đủ tinh bột, rau, thịt..., có sự ấm nóng của rượu vang và ớt chuông, cũng như thành phần kháng khuẩn, chống ho cảm trong tỏi tây, tiếp thêm năng lượng và tăng sức đề kháng cho một mùa đông giá lạnh.


Những món soup bốn mùa với màu sắc, hương vị khác biệt phù hợp cho những thời điểm khác nhau sẽ đem lại những cảm xúc mới mẻ khi thưởng thức. Có thể dùng soup như một món khai vị trong bữa tiệc vui của gia đình hoặc ăn cùng bánh mì.



Lồng ảnh vô nền thơ cho lãng mạn tí. :)